Vướng mắc trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất
Rất cần được tháo gỡ
(ANTĐ) - Tranh chấp quyền sử dụng đất, khiếu nại hành vi hành chính, quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong những nhóm quan hệ diễn ra thường xuyên, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình an ninh, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương.
Tốc độ đô thị hóa kéo theo nhiều tranh chấp về QSDĐ |
Tuy nhiên, hiện nay, Luật Đất đai năm 2003 quy định hòa giải tranh chấp đất đai là trình tự, thủ tục bắt buộc, quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp về quyền sử dụng đất (Luật Đất đai năm 1993 chỉ khuyến khích hòa giải tranh chấp đất đai). Trong những năm qua, UBND cấp xã với trách nhiệm theo quy định đã chủ trì, phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác thực hiện hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, chấm dứt từ cơ sở.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật về đất đai chưa chặt chẽ nên phần nào làm giảm đi tính hiệu quả của công tác này. Nguyên nhân là do Luật Đất đai năm 2003 không quy định biên bản hòa giải tranh chấp đất đai đã được các bên tranh chấp thống nhất có hiệu lực pháp luật hay không. Thực tế, nhiều vụ việc tranh chấp đất đai sau khi đã được chính quyền cơ sở nhiều lần hòa giải thành công, nhưng sau đó một trong các bên tranh chấp lại gửi đơn yêu cầu giải quyết và các cấp chính quyền phải tiếp tục hòa giải, giải quyết lại vụ việc (pháp luật không quy định thời hiệu đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai) nên ảnh hưởng đến hoạt động quản lý Nhà nước nói chung.
Tranh chấp đất đai về bản chất là một dạng tranh chấp dân sự và nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận, tự nguyện (không trái pháp luật) phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2003 không quy định tính hiệu lực pháp luật của các vụ việc tranh chấp đã được hòa giải thành công là không phù hợp với nguyên tắc nêu trên cả về tính khoa học và pháp lý. Trong khi đó, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai cuối cùng là quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật.
Điều 161 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai đã quy định 6 căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ sử dụng đất, bao gồm: Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra; Ý kiến của hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai do UBND xã, phường, thị trấn thành lập; Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đang tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương; Sự phù hợp với hiện trạng sử dụng đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt; Chính sách ưu đãi người có công với nước; Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất.
Tranh chấp quyền sử dụng đất là một dạng tranh chấp đặc thù, liên quan đến các chính sách, pháp luật theo từng giai đoạn khác nhau và tính chất, đặc điểm của từng vụ việc, quan hệ tranh chấp đất đai tại các vùng miền khác nhau. Do đó, việc giải quyết phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và luôn đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Qua nghiên cứu các vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất cho thấy, hầu như các căn cứ 3, 4, 5 của Điều 161 Nghị định 181/2004/NĐ-CP không được áp dụng trong quá trình giải quyết, vì nó không chứa đựng tính chất pháp lý rõ ràng và không đủ tính định lượng, để phục vụ cho việc xem xét, đánh giá khách quan, chính xác khi giải quyết các tranh chấp về đất đai. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, luôn gắn liền chủ thể quản lý, sử dụng nhất định và cần phải tôn trọng quá trình quản lý, sử dụng.
Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai quy định: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 - Điều 50 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất...”. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc tranh chấp, các cơ quan và tòa án khi tiếp nhận vụ việc thuộc thẩm quyền đã hướng dẫn công dân khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, các cơ quan hành chính khi tiếp nhận cho rằng vụ việc về bản chất là tranh chấp dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Như vậy, quy định của pháp luật về thẩm quyền tưởng như đã rõ ràng, nhưng trong thực tế áp dụng đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bất cập, còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Từ đó, công dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần và ít nhiều gây bức xúc, giảm niềm tin của nhân dân vào cơ quan Nhà nước. Do đó, thẩm quyền giải quyết các vụ việc tranh chấp cần phải quy định rõ ràng hơn, để khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết không còn đùn đẩy trách nhiệm, tạo hiệu ứng không tốt trong việc vận hành bộ máy Nhà nước.
Để giảm thiểu những vấn đề về pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, trong thời gian tới, Luật Đất đai năm 2003 cần bổ sung quy định: Biên bản hòa giải thành các vụ việc tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền không thụ lý các đơn thư đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai đã được hòa giải. Đồng thời, giải quyết các vụ việc tranh chấp về quyền sử dụng đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất cần quy định nguyên tắc tôn trọng hiện trạng, quá trình sử dụng đất ổn định.
Để giải quyết tốt, có hiệu quả một vụ việc tranh chấp sử dụng đất đai là sự hội tụ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trong nhiều yếu tố đó, chính sách pháp luật quy định về giải quyết tranh chấp đất đai là rất quan trọng, cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời, đầy đủ. Như thế mới góp phần giải quyết tốt một trong những quan hệ đất đai được xem là “nhạy cảm” trong thời điểm hiện nay.
Phạm Vũ