Ráo riết, quyết liệt hơn

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa chỉ đạo các đơn vị không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá dịp Tết. Song, người tiêu dùng lại không lo hàng hóa khan hiếm mà chỉ canh cánh nỗi sợ miếng ăn, đồ uống không sạch.

Kết thúc năm 2015, số nạn nhân ngộ độc thực phẩm được thống kê đã lên tới con số trên nghìn người, đáng kể có những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm tập thể như ở Bình Dương, Đồng Nai. Vừa mới đây, hơn 600 công nhân ở Hải Phòng cũng bị ngộ độc sau bữa ăn trưa công nghiệp. Đây chỉ là phần nổi của “tảng băng” thực phẩm bẩn tồn tại bấy lâu nay. Còn dưới đó ẩn chứa, che giấu những hành vi sử dụng chất cấm, chất tạo nạc, tăng trọng, chất vàng ô trong chăn nuôi lợn, gia cầm, chế biến thực phẩm.

Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc chín ép quá liều đã trở nên phổ biến. Người chăn nuôi, trồng trọt dù đã được nhắc nhở, cảnh báo và biết rõ tác hại nhưng vẫn “hồn nhiên” gieo rắc tai ương cho đồng bào. Mặc dù, Bộ NN&PTNT đã đề ra khá nhiều biện pháp quyết liệt, cùng với đó là sự ra đời của lực lượng chuyên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ phường, xã trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, song chưa thể khẳng định thực trạng đáng báo động này đã có sự chuyển biến, lấy lại được niềm tin và sự yên tâm của người tiêu dùng.

Ngay cả những nơi được “dán mác” thực phẩm sạch, an toàn cũng vẫn lọt lưới, trà trộn hàng hóa mà chất lượng luôn nằm trong sự hoài nghi, ngờ vực của người tiêu dùng. Mới đây, ngành y tế cho biết sẽ trang bị máy kiểm tra độ an toàn thực phẩm tại một số chợ lớn. Một số công ty, tập đoàn cũng đã thành lập những điểm bán thực phẩm sạch 100% phục vụ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, giữa “vòng vây” của thực phẩm bẩn, dư luận cho rằng, luật pháp phải trở thành thứ vũ khí hữu hiệu làm chùn tay cái ác, tiến tới loại trừ. Ráo riết, quyết liệt hơn, nhưng không thể cứ trông chờ vào ý thức người sản xuất, kinh doanh. Điều “cốt tử” là cần nâng cao ý thức của họ bằng pháp luật. Sở dĩ ý thức của một bộ phận làm ăn coi thường sức khỏe, tính mạng người khác chưa được cải thiện vì ý thức pháp luật của người quản lý cũng như chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Nếu nương tay, khoan nhượng  trước tội ác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chính là “nuôi dưỡng” cái ác làm hại dân lành, gây nguy hại cho cả tương lai con cháu chúng ta.