Ráo riết đôn đốc vẫn bó tay với "nợ xấu" bảo hiểm

ANTD.VN - Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm đổi trụ sở, nhiều trường hợp khác thì gọi điện không nghe máy, không gặp được người có thẩm quyền, nhân viên từ chối tiếp dù đã gửi giấy hẹn trước hàng tuần.

 

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội người lao động không được giải quyết quyền lợi

Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết, tính đến hết quý 3-2018, số tiền nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi là 1.694 tỷ đồng bằng 4,32% kế hoạch thu, giảm 423,2 tỷ đồng so với cùng kì năm 2017. Tuy nhiên, so với toàn quốc, nợ bảo hiểm xã hội ở Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình chung, ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của hơn 300.000 lao động trên địa bàn. 

Chỉ tại quận Bắc Từ Liêm, đã có hơn 600 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, trong đó có những doanh nghiệp nợ triền miên 4, 5 năm, ngành BHXH đã gửi hồ sơ kiện ra tòa nhưng vẫn chưa xử lý được.

Xác định nợ đọng bảo hiểm xã hội là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội của nhà nước, để thực hiện thu hồi nợ đọng hiệu quả, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Đình Đạt cho biết, định kỳ hằng tháng, bảo hiểm xã hội quận đã lập danh sách các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng gửi Bảo hiểm xã hội TP để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời gửi danh sách sang cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh làm hồ sơ khởi kiện theo quy định.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm dẫn chứng một số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội lớn, thời gian nợ kéo dài và chây ì, không thực hiện cam kết nộp bảo hiểm xã hội như: Công ty Cổ phần bê tông xây dựng Hà Nội, hiện đang nợ 11,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần LP Việt Nam, nợ 5,7 tỷ đồng...

Nêu lên khó khăn của việc thu, đốc nợ, ông Nguyễn Đình Đạt cho biết, có những doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động khó khăn nên việc thu nợ gần như bất khả thi, lại có những doanh nghiệp làm ăn có lãi, có tiền thật nhưng cố tình không đóng bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội đã thực hiện rất nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra, gửi văn bản đôn đốc, thậm chí có doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã làm hồ sơ để khởi kiện ra tòa nhưng cũng không ăn thua.

Tại Công ty Cổ phần bê tông xây dựng Hà Nội, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài khiến người lao động không thể chốt sổ, nghỉ hưu không được giải quyết chế độ, mới thấy việc đòi nợ bảo hiểm xã hội thật gian nan.

Mặc dù giấy thông báo làm việc đã gửi trước 2 tuần nhưng khi chuyên viên bảo hiểm xã hội đến làm việc thì toàn bộ ban lãnh đạo công ty đều vắng mặt, nhân viên thì từ chối tiếp vì không đủ thẩm quyền.

Theo quy định của pháp luật, BHXH quận không có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, không có chế tài xử phạt mà chỉ đôn đốc thu hồi nợ. Muốn thanh tra thì phải có đoàn liên ngành của quận.

Trong khi đó, thanh tra của quận cũng chỉ có thẩm quyền kiến nghị Chủ tịch UBND quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp số tiền dưới 75 triệu đồng, còn trên 75 triệu đồng thuộc thẩm quyền của UBND TP… Chế tài không đủ mạnh nên không đủ sức răn đe với những doanh nghiệp chây ì.

Để khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, hàng tháng đều phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ để đề xuất và phối hợp đôn đốc, kiểm tra, thanh tra.

Đặc biệt, BHXH TP đã và đang phối hợp với CATP Hà Nội tập hợp hồ sơ, tài liệu về những doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Dù vậy, việc doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh và nộp thuế tại quận này nhưng trụ sở giao dịch lại thuộc địa bàn quận khác. Nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa có số nợ lên đến hàng tỷ đồng với thời gian nợ trên 30 tháng, nhưng hiện chỉ còn 1 vài lao động.

Doanh nghiệp gần như không còn hoạt động nên không thể thu hồi nợ được vẫn đang là những khó khăn mà BHXH TP phải đối mặt.