Rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

ANTD.VN - Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ sớm rà soát lại tất cả các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang đưa lao động đi làm việc tại Nhật, đánh giá hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp đó có bao nhiêu tỷ lệ lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật… để có thể thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018

Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2018, cả nước có 142.860 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó thị trường, thị trường tiếp nhận đông nhất là Nhật Bản với 68.737 người, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 60.369 người, Hàn Quốc với 6.538 lao động, tiếp đó là các thị trường như Ả rập – Xê út, Rumania, Malaysia…

Đánh giá về tốc độ phát triển của các thị trường xuất khẩu lao động, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm 2018 thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với trên 68.000 lao động, chiếm gần 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140 nghìn người. 

Nhật Bản là một trong các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt, được người lao động Việt Nam ưa thích. Phía Nhật Bản cũng đánh giá cao chất lượng của lao động Việt Nam, ví dụ như trong lĩnh vực thực tập sinh, điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam xuất cảnh sang Nhật Bản, có khoảng 80-90% ứng viên đạt chứng chỉ quốc gia khi thi tuyển.

Dù vậy, tình trạng thực tập sinh, lưu học sinh và lao động ở lại cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật của Nhật Bản còn nhiều, vẫn còn công ty môi giới thu khoản phí cao khiến thực tập sinh hoặc lưu học sinh chịu áp lực, gánh nặng kinh tế khi họ tới Nhật Bản… gây ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lâu dài của hai quốc gia.

Mới đây, trong buổi làm việc với ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, xuất khẩu lao động là một lĩnh vực đặc biệt, có điều kiện liên quan đến con người, do đó việc cấp phép và quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được thực hiện rất chặt chẽ.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ sớm rà soát lại tất cả các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang đưa lao động đi làm việc tại Nhật, đánh giá lại hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp đó có bao nhiêu tỷ lệ lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật… để có thể thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.