Ra “đề bài” sai
(ANTĐ) - Chắc chắn còn phải tốn nhiều công sức và thời gian, để cơ quan điều tra kết thúc vụ án 112, nhân dân mới biết chính xác con số thiệt hại và lãng phí ngân sách Nhà nước cũng tức là tiền của người dân. Tổn thất không chỉ đo bằng tiền tỷ, bằng công sức và thời gian đã hoang phí, mà còn có những tác hại nhiều mặt. Thiện hại lớn hơn cả và khó lượng định, khó nhìn thấy chính là sự phá sản của quá trình tin học hóa quản lý hành chính ở cả Trung ương và địa phương do sự đổ vỡ từ Đề án 112.
Có thể nói đề án này đã “đẩy” nước ta trở lại điểm xuất phát sau 6 năm triển khai, chưa nói tới còn phải “dọn dẹp” những mảng đổ vỡ của nó ở hầu khắp 64 tỉnh, thành trên cả nước.
Thất bại thảm hại của đề án như việc đào tạo tin học cho hàng chục nghìn cán bộ, việc mua sắm trang thiết bị, soạn phần mềm dùng chung sẽ làm “chùn tay” những ai sẽ phải ký duyệt các đề án tương tự trong tương lai.
Xuất phát điểm của đề án là nhu cầu tin học hóa công việc quản lý hành chính, nhưng khi mà lộ trình cải cách hành chính chưa “thấm ngấm” đều khắp nơi ở các Bộ, ngành và các địa phương, chưa nhìn thấy nhu cầu bức thiết tận dụng công cụ tin học để nâng cao hiệu quả công việc, thì hẳn sẽ phung phí tiền của và những cá nhân mới có dịp “tác oai, tác quái”.
Chỉ cần truy cập một lượt các website của nhiều cơ quan, nhất là của các địa phương, có thể thấy ngay sự nghèo nàn thông tin, sự lạc hậu công nghệ và sự lãng phí tiền của.
Điều cực kỳ nghiêm trọng là, ngay từ khi đề án được “thai nghén” và “chào đời”, không ít chuyên gia, giáo sư đã lên tiếng về sự “đẻ non” và sự “chết yểu” của nó, nhưng không hiểu vì sao Đề án 112 vẫn được triển khai? Giờ đây sau khi đề án này phá sản, chưa thấy cơ quan hay cá nhân nào có trách nhiệm của Nhà nước dám đứng ra tự nhận sai lầm.
Rõ ràng có hai vấn đề cần phải làm rõ, minh bạch và công khai. “Đầu bài” giao sai thì người ra đầu bài phải chịu trách nhiệm. Người thực hiện đã lợi dụng “đầu bài” này vào mục đích riêng hoặc tham nhũng.
Chẳng lẽ ở nước ta không có tình trạng ra “đầu bài” sai mà chỉ có chuyện người thực hiện sai? Tin học hóa công việc quản lý của Chính phủ chỉ là một phương thức để hiện đại hóa và hiệu quả hóa công việc. Bản thân Đề án 112 không thể thay thế việc đổi mới sự vận hành và cải tiến công việc quản lý của Chỉnh phủ.
Giả thiết Đề án 112 không phải đề án “dỏm” thì nó vẫn cứ thất bại nếu đem áp dụng vào guồng máy hiện hành. Chẳng khác gì lắp một bộ phận tự động hóa hiện đại vào chiếc xe công nông.
Cho tới nay chưa có báo cáo kiểm điểm, đánh giá xem mỗi năm, mỗi thời kỳ phát triển trên các lĩnh vực đầu tư kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ có bao nhiêu “đầu bài” sai như Đề án 112, từ đó đưa ra những “đầu bài” sai điển hình để rút kinh nghiệm xương máu và tránh những vết xe đổ. Sự tai hại của Đề án 112 liệu có phải đã được báo trước mà không hiểu vì sao vẫn không tránh được.
Đan Thanh