Quyết tâm chấn chỉnh những biểu hiện chệch hướng trong đời sống báo chí

ANTD.VN - Năm 2019, các cơ quan đã tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, cùng đó thực hiện quyết liệt việc chấn chỉnh nhiều biểu hiện chệch hướng trong đời sống báo chí... 

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Sáng nay, 28-12, tại Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ của năm 2020.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng đại diện hàng trăm cơ quan báo chí, hội, chi hội báo chí cả nước…

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí. Đặc biệt, các cơ quan tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch báo chí) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện tại, cả nước có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.

Đến hết tháng 11-2020, cả nước có 850 cơ quan báo in, báo điện tử, giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử trong năm 2019 tăng nhẹ (tăng 0,5%) so với năm 2018, ước đạt 4.923 tỷ đồng.

Về phát thanh - truyền hình, hiện có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình, tổng doanh thu năm 2019 đạt 11.394 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm 2018).

Các đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị

Trong năm 2019, các cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới, cải tiến phương thức thực hiện, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội...

Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được tăng cường, đã định hướng nội dung tuyên truyền, tập trung xây dựng thể chế, giải quyết các vấn đề bất cập trong hoạt động báo chí.

Cùng với đó, việc quy định và từng bước nâng cao nghiệp vụ, đạo đức người làm báo cũng được quan tâm, nhiều vụ việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp được phát hiện xử lý kịp thời.

Cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí quyết tâm chấn chỉnh nhiều biểu hiện chệch hướng trong đời sống báo chí như tình trạng “báo hóa” các tạp chí, các trang thông tin điện tử tổng hợp “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí.

Cụ thể, trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí, chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng; thu hồi Thẻ nhà báo đối với 3 trường hợp… Việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm đã góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động báo chí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Tuy vậy, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí có thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, có thời điểm còn chậm trong phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí. Việc hướng dẫn triển khai Quy hoạch báo chí còn chậm. Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời… 

Vì thế, cùng với những ưu điểm, kết quả đã nêu, hoạt động báo chí còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế, như: tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích còn phổ biến; tình trạng thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao;

Cùng đó, vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, đưa quá nhiều mặt trái của xã hội. Một số chương trình liên kết trên truyền hình, tập trung ở các chương trình giải trí, game show, truyền hình thực tế, chưa được quản lý chặt chẽ, đã để xảy ra một số sai sót…

Đặc biệt, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử bước đầu được khắc phục song vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải được xử lý quyết liệt, dứt điểm trong những năm tới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, xác định nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong năm 2020.