Quyết liệt vào cuộc cứu sông Đáy, sông Nhuệ

ANTĐ -  Mỗi ngày, toàn lưu vực sông Đáy - sông Nhuệ phải “hứng” hàng trăm nghìn mét khối nước xả thải trực tiếp từ các khu dân cư, làng nghề, cụm công nghiệp không qua xử lý, khiến 2 con sông này ngày càng ô nhiễm nặng. Để cứu sông Nhuệ - sông Đáy, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo sâu sát việc xử lý ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, các lực lượng CATP cũng đã vào cuộc quyết liệt. 

Quyết liệt vào cuộc cứu sông Đáy, sông Nhuệ ảnh 1Xử lý ô nhiễm môi trường tuyến sông Nhuệ nói riêng cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng 

Trăm “nguồn” gây ô nhiễm

Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy chảy qua 5 tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Trước thực trạng 2 con sông này ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo 24 quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kết quả điều tra cơ bản cho thấy, tình hình ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn TP Hà Nội chủ yếu do nguồn nước thải, bao gồm nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy công nghiệp, cơ sở sản xuất và dịch vụ, nước thải từ các hoạt động nông nghiệp, làng nghề. Trong đó, nước thải sinh hoạt chiếm 60% tổng lượng nước thải trên toàn lưu vực. Lượng nước thải sinh hoạt của thành phố đổ vào sông Nhuệ mỗi năm một tăng, do tốc độ phát triển đô thị.

Đặc biệt, không ít khu đô thị mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đã và đang là tác nhân gây ô nhiễm. Điển hình như khu đô thị Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân (quận Hoàng Mai); khu đô thị mới Mễ Trì Hạ (quận Từ Liêm); khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông)… 

Đáng lo ngại không kém là hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề và cụm công nghiệp, nơi phát sinh nước thải công nghiệp không qua xử lý nhưng cũng được xả thẳng vào sông Nhuệ, sông Đáy. Cơ quan chức năng đã thống kê được danh sách những “điểm đen” này, như các cơ sở sản xuất thuộc làng nghề thu mua, tái chế nhựa Tân Triều (huyện Thanh Trì); làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; in, nhuộm vải Dương Nội (quận Hà Đông); các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thuộc xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện  Hoài Đức). Bình quân, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc địa bàn Hà Nội phải tiếp nhận lượng nước thải của hơn 100 làng nghề từ 45.000 đến 60.000m3/ngày.

Tuyên truyền kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, từ nhiều tháng qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với công an các quận, huyện tổng rà soát và lên danh sách toàn bộ đặc thù, loại hình, biểu hiện gây ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy của các cá nhân, tổ chức. Đây là tiền đề quan trọng để lực lượng công an tham mưu với chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng từng bước triển khai những giải pháp giảm dần “nạn” ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành sẽ được xác định rõ trong quá trình xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Đại tá Doãn Hữu Châu - Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, các tháng đầu năm 2015, qua kiểm tra, khảo sát, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, đơn vị đã làm rõ 153 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh nước thải chảy qua các kênh mương và đổ vào sông Nhuệ qua 48 điểm xả chính. Chủ các cơ sở này đều đã được tuyên truyền, ký cam kết sớm có biện pháp khắc phục sai phạm.

Ngoài ra, hơn 50 trường hợp có dấu hiện vi phạm Luật Bảo vệ môi trường đã bị lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Riêng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường qua rà soát, đã phát hiện 11 vụ việc; trong đó đã hoàn tất hồ sơ và đề xuất xử phạt vi phạm hành chính 7 vụ việc với tổng số tiền hơn 210 triệu đồng. 

Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CATP Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đã tham mưu cho UBND các quận huyện, thị xã triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; tổ chức tổng vệ sinh môi trường dọc hai bờ sông Nhuệ; tăng cường kiểm tra, xử lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm sông Nhuệ - sông Đáy và cụ thể nhất là tuyên truyền để nhân dân không xả rác ra bờ sông, dòng sông. 

Nhìn nhận những tồn tại trên địa bàn, ông Lã Quang Thức - Chủ tịch UBND phường Dương Nội, quận Hà Đông thẳng thắn, đó là do nhiều làng nghề vẫn tồn tại trong khu dân cư, khi sản xuất đã xả thải trực tiếp ra sông mà không qua xử lý, khiến nguồn nước ngày càng ô nhiễm.

Bên cạnh đó, vẫn có những địa bàn thiếu quyết liệt với nhiệm vụ bảo vệ môi trường dòng sông. “Mỗi địa phương, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên tuyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư để khắc phục và hạn chế những hành vi vi phạm, tiến tới làm tốt công tác bảo vệ môi trường sông Nhuệ”, ông Lã Quang Thức kiến nghị.