Quyết không "đánh trống bỏ dùi"

ANTD.VN - Qua 1 tuần thực hiện cao điểm xử lý vi phạm theo các tuyến phố, các khu vực cụ thể, đường phố Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Đường đã thông, hè đã thoáng. 

Cùng với các quận, huyện trên toàn thành phố, quận Đống Đa đã triển khai xử lý vi phạm về trật tự đô thị; trật tự công cộng lòng đường, hè phố, các điểm trông giữ xe theo tinh thần chỉ đạo của thành phố “rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm - rõ quy trình giải quyết”. Tinh thần chỉ đạo chung của quận là “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”, tuyệt đối tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Chủ trương này đã được quán triệt tới 21 phường, 72 tuyến phố trên địa bàn quận.

Coi vận động, tuyên truyền là yếu tố cơ bản nhất, từ đầu cao điểm, quận Đống Đa đã gửi thông báo, thư ngỏ của Chủ tịch UBND quận; ký cam kết với 10.500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 12.300 hộ gia đình trên 72 tuyến phố về việc không sử dụng hè phố làm nơi buôn bán, kinh doanh, để xe sai quy định… Tới nay, sau 7 ngày triển khai cao điểm, quận Đống Đa đã giải tỏa 28 điểm trông giữ xe sai quy định; sắp xếp 34 điểm trông giữ xe được cấp phép theo quy định; tháo dỡ toàn bộ cầu, bục bệ, mái che, mái vẩy, biển hiệu quảng cáo vi phạm trên 32 tuyến phố; giải tỏa 11/17 điểm chợ cóc; xử phạt hành chính 150 trường hợp vi phạm trật tự đô thị…

Những kết quả tích cực trên mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi đã quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đối với công tác quản lý trật tự đô thị là: “Làm sao phải bền vững”. Đây là việc khó nhưng quận sẽ nỗ lực để làm bằng được. Nói là việc khó bởi thực tế hạ tầng ở các quận trung tâm như Đống Đa từ lâu đã trong tình trạng quá tải. Đơn cử, chỉ nói về điểm trông giữ xe, Đống Đa có mật độ dân số lớn nhưng chỉ có 34 điểm đỗ. Hè phố lại rất hẹp, chỉ khoảng 20/72 tuyến phố có hè rộng trên 3m. Bài toán này hiện chưa có lời giải vì rất khó bố trí mặt bằng.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi cho rằng, để kết quả của cao điểm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường được bền vững, cần các giải pháp đồng bộ và khoa học. Trước hết, quận đã chỉ đạo “cột chặt” trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Cụ thể, các Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận về trật tự đô thị trên địa bàn mình quản lý.

Sau cao điểm, lực lượng chức năng của quận sẽ lập biên bản, bàn giao lại từng tuyến phố “sạch” cho các phường. Đây chính là bản cam kết “giấy trắng mực đen” của các phường với UBND quận. Cùng với đó, trong quá trình duy trì trật tự đô thị, quận sẽ phát hiện, kiến nghị xử lý các cán bộ, công chức có hành vi dung túng, bao che cho các vi phạm.

Về phía người dân, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quận sẽ định hướng bà con chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đồng thời, quận sẽ tính toán, quy hoạch, sắp xếp lại các chợ tạm để bà con có chỗ làm ăn, buôn bán… Cùng với đó, quận sẽ bố trí các điểm đỗ xe theo hướng phù hợp nhất và tìm cách thu hút đầu tư vào xây dựng các điểm đỗ xe mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.