Quy hoạch nghề "nhạy cảm"

ANTĐ - Hỏi thật nhé, đã bao giờ ông bước chân vào những nơi “nhạy cảm” chưa?

- Ý ông là quán bar, karaoke, massage... chứ gì? Thú thật, tôi cũng đôi lần vào quán karaoke hát hò với mấy ông bạn đồng niên, đồng môn. Đôi khi xương cốt rã rời thì ghé vào massage. Toàn những chỗ đèn điện sáng choang, lành mạnh chứ không phải đèn mờ nhập nhoạng đâu.

- Đầu óc tôi chưa đến mức “đèn mờ”, vơ đũa cả nắm. Nhưng trong con mắt xã hội, người ta thường vơ mấy thứ đó vào một rổ hổ lốn kể cả mại dâm, gọi chung là kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”.

- Có thân thì phải giữ, tôi tránh xa mấy thứ “nhạy cảm” đó. Nghe đâu, tại một hội nghị phòng chống tệ nạn xã hội, có sáng kiến nên gom các loại dịch vụ “nhạy cảm” đó vào một vài khu phố để dễ quản lý. “Người lao động” được hưởng lương, khám sức khỏe định kỳ...

- Chẳng hóa ra là bật đèn xanh cho phép thành lập “khu đèn đỏ” như ở một số nước phương Tây, vô tình thừa nhận mại dâm là một nghề hợp pháp?

- Chưa gì ông đã sồn sồn lên thế! Đó mới là ý tưởng. Để đưa vào cuộc sống, còn cả một chặng đường xa lắc.

- Thích phản biện nên mới hỏi vậy thôi, chứ tôi thấy đề xuất đó cũng có lý của nó. Hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” nằm khắp ngóc ngách, ngõ phường với hàng nghìn người bán dâm lưu động, thì quả là khó quản lý, kiểm tra, xử phạt thật.

- Tôi cũng đồng tình với ông. Ta vốn rất thạo việc quy hoạch, nếu có thể quy hoạch dịch vụ “nhạy cảm” vào một số khu phố nhất định, có ưu đãi về thuế, điều kiện kinh doanh thì cơ quan quản lý đỡ phải nơm nớp lo chuyện “nhạy cảm” tràn lan như hiện nay.

- Cũng không dễ dàng đâu. Nếu không chui rúc vào xó xỉnh, khuất lấp trong ngõ hẻm thì làm sao kinh doanh “nhạy cảm”, hái ra tiền mỏi tay?