Quy hoạch hiệu quả đất ven sông có thể đưa Hà Nội thành "Seoul thứ hai"

ANTD.VN - 14 ý kiến góp ý trực tiếp từ lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương đều nhấn mạnh đến việc Hà Nội phải trở thành một trung tâm kinh tế lớn, một đô thị hiện đại, thậm chí phải trở thành một Seoul thứ hai…

Quang cảnh hội nghị sáng 23-6

Sáng nay, 23-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trung ương vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Tới dự có hơn 40 đại biểu lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, các viện nghiên cứu trung ương. Ngay tại hội nghị, đã có 14 ý kiến góp ý trực tiếp của đại diện các bộ ngành, trong đó gợi mở nhiều vấn đề chuyên sâu liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn góp ý

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao bố cục và nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo chính trị đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã được chuẩn bị khoa học, công phu.

Đi vào nội dung cụ thể, ông Văn cho rằng, dự thảo cần làm rõ thêm yêu cầu đẩy mạnh công tác quy hoạch gắn với có kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, trong phát triển đô thị, Hà Nội cần phải xác định các chỉ tiêu cụ thể về phát triển nhà ở, chẳng hạn chỉ tiêu về m2/ người/ sàn, chỉ tiêu về nhà chung cư, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn góp ý

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị trong báo cáo chính trị đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội đánh giá sâu sắc hơn kết quả lĩnh vực tài chính, ngân sách. Mặt khác, trong nhiệm kỳ 2020-2025 tới, thành phố cần đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ góp ý, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội cần mạnh dạn đặt mục tiêu hướng đến là trung tâm đối ngoại của khu vực và thế giới. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú góp ý, trong phần đánh giá về kinh tế của Hà Nội được nêu ra tại dự thảo báo cáo chính trị, cần khẳng định thêm Hà Nội là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước chứ không phải chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, đối ngoại.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên góp ý

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Quý Kiên phân tích, việc quản lý quy hoạch và sử dụng tài nguyên môi trường ở Hà Nội còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị của Hà Nội hiện vẫn chưa dành phần diện tích xứng đáng cho không gian xanh, công viên hồ nước.

Về định hướng trong thời gian tới, ông Kiên đề nghị Hà Nội cần quan tâm hơn đến quy hoạch không gian ngầm bởi không một thành phố lớn nào trên thế giới không quan tâm đến vấn đề này.

“Cơ sở dữ liệu không gian ngầm không thể không làm, lúc này làm đã là muộn. Mặc dù rất khó khăn, tốn kém nhưng không thể không làm” – ông Kiên nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong các nguồn lực về tài nguyên và môi trường thì điểm rất đáng chú ý là Hà Nội có quỹ đất ven sông Hồng với phần lớn các bãi bồi ven sông hiện cơ bản còn nguyên vẹn. Đây là nguồn lực quan trọng để quy hoạch sử dụng hiệu quả, đưa Hà Nội trở thành một Seoul thứ hai.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp thu ý kiến các đại biểu

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, các ý kiến góp ý đều rất tâm huyết, thể hiện tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô. Đặc biệt, dưới góc nhìn từ quản lý ngành, nội dung các đại biểu đề cập rất sâu, xác đáng, liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể.

Đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo cả về kết cấu lẫn nội dung, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thành phố mong tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các Bộ ngành để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.