Mở rộng quyền tranh tụng và ghi âm, ghi hình khi hỏi cung:

Quy định không khéo có thể cản trở quá trình tố tụng

ANTĐ - Tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách diễn ra ngày 26-8, nhiều ĐBQH vẫn băn khoăn, chưa đồng thuận với một số nội dung quan trọng của dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) như: quy định về ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, quy định về tranh tụng hay quy định về các cơ quan được giao thẩm quyền điều tra…
Quy định không khéo có thể cản trở quá trình tố tụng ảnh 1

ĐB Đinh Xuân Thảo góp ý vào dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

Tranh tụng phải bình đẳng

Điều 26 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và tranh luận dân chủ trước tòa án. Góp ý về nội dung này, đa số ĐBQH cho rằng, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là một trong những phương pháp hữu hiệu để tránh oan, sai.

Có ý kiến đề nghị nguyên tắc tranh tụng không nên chỉ bó buộc trong phạm vi phiên tòa mà cần mở rộng ở cả các giai đoạn tố tụng trước đó. Tuy nhiên, một số ĐB chưa đồng tình với lý do đặc trưng trong tố tụng tại Việt Nam là kết hợp giữa xét hỏi và tranh tụng chứ không như ở các nước khác. 

Tương tự, một số ĐB đề nghị trong dự luật cần quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo. Song ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, việc quy định quyền im lặng phải cân nhắc thận trọng để không “làm bó tay cơ quan tố tụng”.

Lấy ví dụ về quá trình điều tra 2 vụ thảm sát gây chấn động dư luận ở Bình Dương và Nghệ An, ĐB Đỗ Văn Đương đặt vấn đề: “Nếu các bị cáo cứ vin vào quyền im lặng, không chịu nói gì, vậy lấy lời khai điều tra vụ án thế nào? Làm sao kịp thời điều tra mở rộng vụ án truy bắt các đối tượng khác? Nếu quy định không khéo có thể sẽ làm bó tay cơ quan tiến hành tố tụng, như vậy là có lỗi với nhân dân”.

Đa số các ĐB nhất trí với việc phải đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (Hà Nội) phân tích, Điều 31 Hiến pháp đã quy định rõ, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 

Đảm bảo tính khả thi nếu ghi âm, ghi hình 

Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng việc ghi âm, ghi hình là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. 

Tuy vậy, từ thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi, trong những điều kiện khác nhau và không phải lúc nào cũng có thể thực hiện ghi âm, ghi hình được. Do vậy, đa số ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta thì chỉ nên quy định “việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình” là phù hợp; còn tại các địa điểm khác có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết.

Theo ĐB Đinh Xuân Thảo, nếu bắt buộc phải ghi âm ghi hình tất cả hoạt động hỏi cung thì không có tính khả thi. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lập luận: “Nhiều trường hợp điều tra viên hỏi cung bị can với mục đích để cảm hoá đối tượng, để đối tượng khai sự thật, trong trường hợp đó, ghi âm, ghi hình để làm gì?”.

Điều khiển phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành quan điểm phải quy định rõ, việc hỏi cung được thực hiện tại nơi tạm giữ, trụ sở của cơ quan điều tra và phải ghi âm ghi hình, còn lấy lời khai ban đầu thì không cần phải ghi âm, ghi hình.          

Chưa thống nhất mở rộng đầu mối cơ quan điều tra
Về nội dung bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (gồm cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư), qua thảo luật, nhiều ý kiến không đồng tình với việc giao cho cơ quan thuế, chứng khoán thẩm quyền điều tra mà chỉ nên mở rộng một số hoạt động điều tra cho kiểm ngư.