Quỹ bảo hiểm y tế kết dư 39.000 tỷ đồng: Có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng?

ANTD.VN - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, Quỹ BHYT thực chất nhiều năm nay đã cạn do bội chi nhiều. Số tiền 39.000 tỷ đồng là thuộc Quỹ dự phòng Khám chữa bệnh BHYT tồn từ nhiều năm qua. 

Số tiền 39.000 tỷ đồng là thuộc Quỹ dự phòng Khám chữa bệnh BHYT 

Tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ ngày 2-11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong tháng vừa qua, cả nước có khoảng 15,07 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, lũy kế 10 tháng đầu năm có 146,552 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.

Toàn ngành đã giải quyết 11.084 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 70.690 người hưởng trợ cấp 1 lần; 838.483 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 10 tháng đầu năm đã giải quyết 101.766 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết 676.605 người hưởng trợ cấp 1 lần; 8.025.482 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe...

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến tình trạng quỹ BHYT kết dư lớn (gần 39.000 tỷ đồng) có khiến quyền lợi của 82 triệu chủ thẻ bị hạn chế hay không, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay, trong mọi trường hợp, dù Quỹ BHYT kết dư nhiều hay đã bội chi thì người bệnh vẫn được đảm bảo quyền lợi theo đúng Luật BHYT, Luật Khám chữa bệnh.

Phân tích kỹ hơn về việc này, ông Đào Việt Ánh cho biết, thực chất nhiều năm nay quỹ BHYT đã cạn do bội chi nhiều. Số tiền 39.000 tỷ đồng là thuộc Quỹ dự phòng Khám chữa bệnh BHYT được tồn tích nhiều năm qua. Vì theo Điều 35 Luật BHYT chúng ta phải dành 5% số tiền đóng BHYT cho dự phòng khi có thiên tai, địch họa.

Đối với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh là rất quan trọng vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong khám, điều trị.

Nhìn vào con số 39.000 tỷ đồng thấy lớn nhưng thực chất so với tiền chi cho khám chữa bệnh hàng năm (khoảng 90.000 tỷ đồng cho hơn 1,7 triệu lượt khám chữa bệnh) thì không nhiều. Nếu không sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, quỹ dự phòng hiện tại sẽ không còn trong thời gian không dài.

Trên thực tế, quyền lợi của người tham gia BHYT đang được bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật; nếu ở đâu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Những năm qua, số người khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả và chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng trong năm 2017, cơ quan BHXH đã thanh toán cho gần 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền lên tới trên 88.000 tỷ đồng; trong đó hàng ngàn trường hợp khám, chữa bệnh với chi phí hàng trăm triệu đồng, có những trường hợp được chi trả chi phí khám, chữa bệnh hàng tỷ đồng.

Với tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT lớn như hiện nay (trong 2 năm, chi phí KCB BHYT tăng gấp khoảng 1,8 lần), nếu không có biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh thì quỹ dự phòng không còn, phải điều chỉnh mức đóng; như vậy có tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và xã hội - ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.