Quốc hội xem xét tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO

ANTD.VN - Sáng nay, 29-5, nhận ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày trước Quốc hội tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98 của ILO và áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa 14.

Tờ trình của Chủ tịch nước nêu rõ, Công ước số 98 về áp dụng nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong 8 công ước cơ bản của ILO. Công ước đã dược Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1-7-1949.

Tính đến tháng 1-2019, đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên ILO tham gia Công ước này.

Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

“Việc ra nhập Công ước 98 sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp; đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi về những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế” - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh những tác động về chính trị, quốc phòng, an ninh khi Việt Nam gia nhập Công ước 98.

Theo đó, việc gia nhập Công ước 98 là thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Việt Nam với vai trò là thành viên của Tổ chức ILO; nhằm tăng cường cam kết chính trị và thực thi thực chất các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Bên cạnh đó, hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả sẽ góp phần làm cho việc phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội.