Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam và 4 luật khác

ANTD.VN -  Chiều nay 19-11, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, có 467/468 ĐBQH (chiếm 96,29%) tham gia biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua 4 luật gồm: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, ngày 5-11-2018, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), UBTVQH báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua (sau đây gọi là dự thảo Luật) như sau:

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt  cho biết, về vị trí, chức năng của CSBVN, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về vị trí, chức năng của CSBVN trong tương quan với Bộ đội Biên phòng và Hải quân trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Về ý kiến này, UBTVQH báo cáo như sau: quy định về vị trí, chức năng của CSBVN trong dự thảo Luật đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng có liên quan tới CSBVN, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN hiện hành và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Hải quân là nòng cốt; trong bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt; trong thực thi pháp luật trên biển, CSBVN là nòng cốt; mỗi lực lượng đều được pháp luật quy định nhiệm vụ, chức năng cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò của mình…

Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "thỏa thuận quốc tế", vì theo Luật Điều ước quốc tế thì thỏa thuận quốc tế cũng là một dạng của điều ước quốc tế. UBTVQH thấy rằng, theo Luật Điều ước quốc tế có điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

Tên gọi của điều ước quốc tế có thể là hiệp ước, công ước, hiệp định, thỏa thuận, nghị định thư… Còn thỏa thuận quốc tế là văn bản được ký kết giữa Bộ, cơ quan ngang bộ, ngành của Việt Nam với cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế... không làm phát sinh nghĩa vụ quốc gia, chỉ phát sinh nghĩa vụ của chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, được thực hiện theo Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Thực tiễn, CSBVN đã ký kết, tham gia ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nhiều quốc gia khác. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ cụm từ này.

“Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ và logic, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa và bổ sung cụm từ “theo thẩm quyền” vào cuối khoản 2 để tránh chồng chéo lên chức năng của các lực lượng khác như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của CSBVN, CSBVN là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia và là một trong những lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển; có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng khác để phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Do đó, dự thảo Luật quy định CSBVN có nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia là phù hợp, không chồng chéo với Hải quân và các lực lượng khác.

Về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có ý kiến đề nghị thay cụm từ "khi có căn cứ cho rằng" bằng cụm từ "khi phát hiện tàu thuyền" tại các điểm b, c, d khoản 2 để cụ thể, rõ ràng hơn.

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh lý lại Điều này; theo đó, thay cụm từ “khi có căn cứ cho rằng” bằng cụm từ “khi biết rõ” tại điểm b, điểm c và bỏ cụm từ “có căn cứ cho rằng” tại điểm d để thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.