Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng

ANTD.VN - Ngày 21-11, Quốc hội dành trọn buổi sáng và một nửa phiên làm việc buổi chiều để góp ý, thảo luận vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Cách đây ít ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án luật, đồng thời tiến hành thảo luận ở tổ về các nội dung liên quan dự án luật này.

Còn vào ngày mai (21-11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), từ 8h sáng tới 15h30 chiều cùng ngày.

Đây là dự án luật được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Ngày 21-11, Quốc hội thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, tham nhũng trở thành vấn đề "nóng" gây bức xúc xã hội. Tại các phiên thảo luận tổ về dự án luật hay thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, rất nhiều vấn đề liên quan đã được đại biểu Quốc hội đưa ra "mổ xẻ" như cách xác định đối tượng, hành vi tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng; chế tài xử phạt các hành vi tham nhũng; nạn tham nhũng vặt...

Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ vừa qua, trả lời băn khoăn của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Đảng, Nhà nước không cho phép 'chìm xuồng' các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng".

Tại phiên chất vấn vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng"

Theo dự thảo, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thiết kế gồm 11 chương, 129 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng.

Đối tượng áp dụng của luật là cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Dự thảo luật quy định 12 hành vi tham nhũng gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

Tại Điều 39 - Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập - dự thảo luật đưa ra 2 phương án để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến trước khi biểu quyết chọn một phương án.

Dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, nhưng được đưa ra khỏi chương trình theo đề xuất của Chính phủ để chờ chủ trương, kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng dự án. 

Vì thế, dự án luật trình Quốc hội lần này đã được điều chỉnh hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm chất lượng.

Sau khi thảo luận tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp tới - kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra vào tháng 5-2018.