Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại kỳ họp tới

ANTD.VN - Quốc hội quyết định bổ sung 3 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, trong đó có Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại kỳ họp cuối năm 2020, trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 3/2021

Chiều 10-6, với 94% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Theo đó, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 các dự án: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, khai mạc tháng 10-2020); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp) và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi);

Điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 khóa XV (tháng 10/2021).

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, tại kỳ họp thứ 11 khoá XIV (tháng 3/2021) Quốc hội sẽ thông qua 4 dự án gồm Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021), Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tới kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV (tháng 10/2021), Quốc hội sẽ cho ý kiến 6 dự án gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

94% đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình các dự án luật mới như Luật Bảo vệ người làm việc tốt; Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Luật về Hộ kinh doanh...

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, song cho rằng các đề nghị này cần được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất các chính sách cụ thể, đánh giá tác động, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và lập hồ sơ đề nghị theo quy định.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được ghi nhận và chuyển các kiến nghị này đến Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu; trường hợp có đủ cơ sở thì chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị để báo cáo Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình.