Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông tại kỳ họp thứ sáu

ANTD.VN - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được thực hiện ngay trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6-Quốc hội khóa XIV khai mạc vào đầu tuần sau...

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Chiều nay, 18-10, Quốc hội đã tổ chức họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6-Quốc hội khóa XIV. Theo đó, kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc vào sáng ngày 22-10, dự kiến kéo dài trong 24 ngày làm việc, bế mạc vào ngày 21-11-2018.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông).

"Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành trước phiên chất vấn tại kỳ họp để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm (vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4)" - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về chương trình xây dựng luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch…

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, để đảm bảo tính công khai của Quốc hội, tại kỳ họp này dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp).

Điểm đáng lưu ý là có cả các nội dung vốn được coi là “nhạy cảm” cũng sẽ được tường thuật trực tiếp như phiên họp về nội dung công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018…