Quốc hội khóa XIII để lại nhiều dấu ấn về cải tiến, đổi mới

ANTĐ - Nhìn lại nhiệm kỳ thứ XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu bật những điểm tích cực song cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém còn tồn đọng.

Sáng 22-3, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội.

Về thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội đã tập trung, nỗ lực thực hiện tốt chức năng này và đạt được kết quả nổi bật. “Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc chuẩn bị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được tiến hành công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của cử tri và nhân dân cả nước, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học. 

Quốc hội khóa XIII để lại nhiều dấu ấn về cải tiến, đổi mới ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Cùng với việc thông qua Hiến pháp mới, Quốc hội khóa XIII đã ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay với chất lượng ngày càng nâng cao. Đặc biệt, ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Quốc hội khóa XIII đã khẩn trương triển khai thực hiện đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn không ít hạn chế. 

“Việc thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Một số đạo luật còn có quy định chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao. Một số quy định vẫn còn mang tính nguyên tắc chung nên khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Giữa các văn bản khác nhau vẫn còn có trường hợp quy định thiếu tính thống nhất. Công tác chuẩn bị đối với một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản trình Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nhìn nhận.

Thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm đối với những tồn tại, yếu kém của đất nước đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới... Những vấn đề này Quốc hội đã có nhiều giải pháp nhưng chưa đạt hiệu quả, chưa tạo được chuyển biến tích cực. 

Quốc hội khóa XIII để lại nhiều dấu ấn về cải tiến, đổi mới ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trò chuyện với các đại biểu, bên hành lang Quốc hội

Về thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành nhiều nội dung giám sát quan trọng, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô đến các vấn đề dân sinh bức xúc. 

Hoạt động chất vấn của Quốc hội tiếp tục được đổi mới về chiều sâu. Qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trên các lĩnh vực như: giao thông vận tải, ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp… đã có nhiều chuyển biến đáng kể, được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội đánh giá cao. 

Điểm mới của nhiệm kỳ khóa XIII là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của Quốc hội. 

Trên cơ sở kết quả thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, qua đó nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ, các cơ quan liên quan phải tập trung thực hiện.

Quốc hội khóa XIII đã thực hiện có hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Các hoạt động của Quốc hội nói chung và giám sát, chất vấn của Quốc hội được tổ chức công khai, minh bạch, đưa Quốc hội đến gần với dân hơn. 

Mặc dù có nhiều cải tiến, đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn hạn chế, bất cập như: Trong một số trường hợp, chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt, nên có không ít những vụ việc, vấn đề bất cập còn tồn tại chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong đời sống xã hội. Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu; giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được thực hiện tốt và kết quả thấp; một số quy định của pháp luật về giám sát như việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chưa có điều kiện thực tế để thực hiện... 

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII để lại nhiều dấu ấn về cải tiến, đổi mới trong hoạt động, tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội được tăng cường. Quốc hội gần dân hơn, tăng cường năng lực đại diện, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. 

Từ tổng kết trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rút ra  8 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh việc quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, phục vụ dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội.