Quốc hội giám sát các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm

ANTĐ - Trong buổi làm việc sáng 11-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động Giám sát của Quốc hội năm 2012 với 84,8% ý kiến tán thành.

Trước đó, qua thảo luận, đóng góp ý kiến vào Chương trình hoạt động Giám sát của Quốc hội năm 2012, các ĐBQH đã kiến nghị Quốc hội cần nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, được thể hiện bằng cách tăng cường tập trung giám sát các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm và không đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của Quốc hội. Các ĐBQH nhất trí cao việc tập trung giám sát chuyên đề 2 nội dung trong năm 2012 là thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.

Cùng ngày, Quốc hội đã nhất trí biểu quyết thông qua 4 Dự án luật gồm Luật Lưu trữ (87% số phiếu tán thành); Luật Đo lường (86%); Luật Khiếu nại (86,8%) và Luật Tố cáo (86,8%).

Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH (ĐBQH Quảng Nam): Tập trung giám sát những bức xúc

Theo tôi, nên có cơ chế giám sát về lĩnh vực TTATGT và trên cơ sở đó đề ra những chính sách, chủ trương cụ thể, hiệu quả để giải quyết những vấn đề bức xúc thì sẽ có lợi cho dân. Ngoài ra, cần đặt ra những trọng tâm để giám sát như những lĩnh vực về chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo hiểm y tế, thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo và hướng tới giám sát các công trình thủy điện.

Chốt lại, chúng ta cần tập trung giám sát những bức xúc trong dư luận xã hội và ĐBQH quan tâm, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước.

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu chuyên trách, đoàn ĐBQH TP Hải Phòng: Vấn đề môi trường rất quan trọng

Cần thường xuyên giám sát vấn đề môi trường, nếu không những thành quả kinh tế của chúng ta sẽ không phục vụ được an sinh xã hội. Hiện tại, chúng ta tập trung giám sát về sử dụng nguồn chi ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn. Theo tôi, một số vấn đề phải thường xuyên giám sát như tài chính ngân hàng; ưu đãi cho nông dân vay vốn các hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước vì họ sử dụng vốn quá nhiều, nhưng hiệu quả thấp.

Việc khiếu nại tố cáo của nhân dân cũng phải được giám sát chặt chẽ. Ví dụ: giải quyết đền bù, mâu thuẫn do tranh chấp đất đai... Còn rất nhiều lĩnh vực ta cần tăng cường giám sát và phải căn cứ vào những lĩnh vực cấp bách nhân dân kêu ca nhiều, Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội cần tập trung giám sát, kể cả giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật và các cơ quan được ban hành các văn bản quy định của pháp luật xem đúng hay chưa? Nếu ban hành không đúng, sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, điều hành của đất nước và quyền lợi của người dân.