Quốc hội đổi mới cách thức chất vấn, các Bộ trưởng sẽ áp lực hơn

ANTD.VN - ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong phiên chất vấn với các tư lệnh ngành, ĐBQH là người đặt câu hỏi nhưng “người chấm thi” không chỉ có các ĐBQH mà cử tri, nhân dân cả nước sẽ cùng đánh giá…

 

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Ngày mai, 30-10, Quốc hội sẽ bắt đầu hoạt động chất vấn với các Bộ trưởng, trưởng ngành, trong đó hình thức chất vấn tiếp tục được đổi mới theo kiểu “hỏi nhanh - đáp gọn”. Đặc biệt, Quốc hội sẽ không chọn “cứng” 4 tư lệnh ngành đăng đàn như thông lệ mà các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay.

Trao đổi với báo chí về nội dung được đặc biệt quan tâm này, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cho biết, phiên chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục có nhiều đổi mới hơn và thông qua việc đổi mới nội dung, cách thức chất vấn, dù chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng chắc chắn đem lại nhiều hiệu quả tốt hơn.

“Chẳng hạn với hình thức chất vấn “hỏi nhanh – đáp gọn”, mỗi ĐBQH được đặt câu hỏi chỉ trong vòng 1 phút nên sẽ phải đầu tư suy nghĩ, lựa chọn từng từ ngữ ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để cử tri nghe dễ hiểu. Bộ trưởng được chất vấn cũng dễ nắm vấn đề, nội dung câu hỏi hơn” – bà Hải nói.

Tương tự, sau 3 câu hỏi của ĐBQH, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có 9 phút để trả lời (mỗi câu hỏi trả lời trong khoảng 3 phút), cách thức chất vấn như vậy sẽ tránh tình trạng Bộ trưởng quá chú trọng vào chất vấn của ĐBQH này mà “bỏ quên” chất vấn của đại biểu khác.

“Đặc biệt, khi đổi mới chất vấn, bản thân các Bộ trưởng, trưởng ngành được chất vấn cũng rất áp lực. Phải trả lời sao cho ngắn gọn trong khoảng thời gian Quốc hội quy định, mà vẫn đầy đủ thông tin, đáp ứng yêu cầu của ĐBQH. Việc này đòi hỏi Bộ trưởng phải nắm vững vấn đề, số liệu rồi chọn cách diễn đạt logic như một... cuộc thi vấn đáp.

Người chấm thi ở đây không chỉ có các ĐBQH mà trên sóng trực tiếp, cử tri cả nước cũng theo dõi và có đánh giá đối với bộ trưởng” – ĐBQH Nguyễn Thanh Hải nói.

“Sau mỗi phiên chất vấn tại Quốc hội, các ĐBQH, cử tri và nhân dân sẽ giám sát đến cùng các “lời hứa”, cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành nêu ra” – bà Hải nói thêm.