Quản lý nợ công nên thu gọn về một đầu mối

ANTD.VN - Nợ công tăng nhanh, áp sát trần, khả năng trả nợ trong ngắn hạn khó khăn… đó là những mối lo, băn khoăn của đa số ĐBQH khi nói về nợ công hiện nay.

Một trong những nội dung còn nhiều tranh luận nhất trong dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thảo luận là việc có nên thu gọn đầu mối quản lý nợ công. Hiện, có đến 3 bộ, ngành cùng được giao quản lý nợ công nhưng khi xảy ra việc, xác định trách nhiệm rất khó khăn.

ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Thẩm quyền thì rất rõ nhưng trách nhiệm lại mờ nhạt

“Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) tôi thấy chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý nợ công, quản lý rủi ro, trong khi những quy định về thẩm quyền lại rất rõ ràng. Cụ thể, quy định về trách nhiệm ở Điều 56 dự thảo luật là rất mờ nhạt, không rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ phê duyệt, thẩm định cho đến quản lý, sử dụng vốn vay như thế nào, quản lý nợ công ra sao…

Mặt khác, dự thảo luật quy định cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng tham gia vào các quy trình vay và sử dụng vốn vay làm cho việc xác định trách nhiệm trong quản lý nợ công rất khó khăn. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đề nghị thu gọn một đầu mối tham mưu cho Chính phủ về quản lý nợ công, xây dựng chiến lược và phương án trả nợ công để bảo đảm thống nhất, quản lý chặt chẽ nợ công, tránh phát sinh nợ công. Việc thu gọn đầu mối quản lý nợ công cũng đồng thời đúng với chủ trương cải cách hành chính hiện nay của Chính phủ là một việc chỉ giao cho một cơ quan để tránh trường hợp “ông này đổ trách nhiệm cho ông kia”. 

Theo quan điểm của tôi, nên giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối chịu trách nhiệm tổng thể, từ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để trình các cơ quan có thẩm quyền về trần nợ công; kế hoạch, lộ trình trả nợ công và các nội dung khác liên quan đến quản lý nợ công. Nếu thu gọn về một đầu mối, Bộ Tài chính cũng có thể thực hiện phần việc đàm phán với các tổ chức tín dụng quốc tế để tiếp cận các khoản vốn vay”.

ĐB Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM), Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM: Khắc phục ngay tình trạng dự toán một đằng, quyết toán một nẻo

“Vấn đề nợ công gia tăng đã được nhắc đi nhắc lại tại Quốc hội nhiều kỳ họp gần đây nhưng vẫn chưa có những giải pháp quản lý thật sự hiệu quả, khiến nợ công vẫn tăng. Từng có thống kê rằng mỗi người dân nước ta đang phải gánh một khoản nợ công lên tới 1.300 USD. Nếu so sánh với Malaysia, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 1/5 nhưng người dân nước ta lại phải gánh tới 62% nợ công trên thu nhập mỗi người, trong khi người Malaysia chỉ phải gánh 32%.

Tôi nhận thấy rằng vấn đề bội chi ngân sách kéo dài, cộng thêm không ai chịu trách nhiệm liên quan đến vấn đề bội chi trong thời gian dài dẫn tới tăng nợ công của Chính phủ. Thêm nữa, vấn đề tiếp theo các khoản nợ đi vay lại của chính quyền địa phương, nợ của các định chế đi vay lại thông qua Bộ Tài chính, vay thông qua bảo lãnh của Chính phủ cũng làm gia tăng chi phí nợ công. Cứ thêm một lớp bảo lãnh thì chi phí nợ công lại tăng lên. Đặc biệt, việc sử dụng vốn vay để thực hiện các dự án đầu tư công kém hiệu quả, đội vốn các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước đã đẩy gánh nặng lên ngân sách, làm gia tăng nợ công…

Nếu theo dõi có thể thấy, con số giữa dự toán và quyết toán ở các dự án đầu tư công, theo tính toán 10 năm qua rất khác biệt, nhiều dự án đội vốn, phát sinh chi phí nợ công kinh khủng. Chẳng hạn, dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương ban đầu dự toán là 6.500 tỷ đồng, sau quyết toán là 9.900 tỷ đồng, tăng 52%. Đường Nam Hà Nội ban đầu dự toán là 3.131 tỷ đồng, sau tăng lên 6.664 tỷ đồng, tăng 113%.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ban đầu dự toán là 553 triệu USD, sau là 892 triệu USD, tăng 61%. Hay dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình ban đầu dự toán 3.734 tỷ đồng, sau là 8.974 tỷ đồng, tăng 140%... Quản lý nợ công kiểu này, dự toán một đường quyết toán một nẻo, đội lên như vậy ngân sách phải bù đắp và đương nhiên nợ công tăng.

Ngoài khắc phục các tồn tại trên, tôi đề nghị cần làm rõ quy định về nợ công tiềm ẩn, có các điều khoản quy định kiểm soát các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn để phòng tránh rủi ro vượt trần nợ công dẫn tới bất ổn định của nền kinh tế”.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Mới chỉ chú trọng tới vay vốn mà chưa tính đến trả nợ 

“Tôi rất băn khoăn, không rõ trong kế hoạch 5 năm tới Chính phủ sẽ vay bao nhiêu tiền, trong đó bao nhiêu phần trăm để đầu tư công, bao nhiêu là bảo lãnh trong doanh nghiệp và các tổ chức về sự nghiệp, bao nhiêu để cho vay lại. Bất cập lớn nhất hiện nay, theo tôi là cần có một đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm đến cùng với việc vay vốn, điều tiết vốn này để còn tính chuyện trả nợ.

Còn theo quy định trong dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), việc quản lý nguồn vốn vay được giao cho 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng các cơ quan này mới chỉ chú trọng đến việc vay vốn chứ chưa tính đến phương án trả nợ và đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể việc này.

Tôi cho rằng, nếu vay bảo lãnh để cho vay lại, Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Nếu vay về đầu tư công, Bộ Tài chính phải đứng ra làm đầu mối.

Đối với những khoản vay bảo lãnh, cơ quan bảo lãnh phải đảm bảo tránh nhiệm trong việc đứng ra trả nợ. Trường hợp đơn vị bảo lãnh không trả được nợ thì Chính phủ nên giao cho Ngân hàng Nhà nước trách nhiệm trả nợ chứ không được lấy tiền từ ngân sách để trả nợ công. Còn với những dự án vay để đầu tư hạ tầng nằm trong chương trình đầu tư công của Chính phủ thì Chính phủ sẽ phải trả nợ. Bộ Tài chính cân nhắc xem nguồn thu ngân sách nếu có thể trả được, đồng thời chịu trách nhiệm đứng ra vay, bố trí nguồn thu ngân sách để trả. Như vậy nguồn vốn vay sẽ đảm bảo hiệu quả và không xảy ra tình trạng khủng hoảng nợ công”.

Nợ công vẫn tăng, đã ở mức 63,7% GDP

Tờ trình về dự thảo Luật Quản lý nợ công được trình trước Quốc hội ngày 25-5 nêu rõ, đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ công của nước ta đã ở mức 63,7% GDP, tăng gần 2% so với số chốt nợ công năm 2015 và áp sát trần nợ công (65%GDP). Trong đó, nợ chính quyền địa phương là 45.000 tỷ đồng, nợ Chính phủ bảo lãnh là 501.000 tỷ đồng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017-2018 và có thể giảm dần trong những năm sau đó.