Quản lý hộ khẩu theo hướng thông minh, hiệu quả, an toàn

ANTD.VN - Sáng 7-11, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông tin về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an, liên quan đến Nghị quyết 112 của Chính phủ. Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn Phòng Bộ Công an chủ trì buổi họp báo. 

Tại buổi họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định: Không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân mà chỉ thay đổi hình thức quản lý theo hướng đưa công nghệ thông tin vào, đồng thời giúp cải cách hành chính, quản lý hiệu quả, chặt chẽ, an toàn thông tin công dân…

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hộ khẩu

Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin về công tác triển khai dự án xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư và lộ trình triển khai Nghị quyết 112 của Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, Nhà nước cấp cho công dân nhiều loại giấy tờ và mỗi loại giấy tờ này đều có những chức năng khác nhau. Tuy nhiên, mỗi loại giấy này đều là thủ công, chưa được kết nối, chia sẻ. Khi làm các thủ tục hành chính, công dân phải trình rất nhiều giấy tờ gây phiền hà, mất thời gian.

Ngày 1-1-2016 Luật Căn cước công dân có hiệu lực. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp tất cả những dữ liệu về dân cư của công dân Việt Nam. Việc bỏ sổ hộ khẩu phải được hiểu rằng thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu từ thủ công sang hiện đại. Nó có vị trí và vai trò hết sức quan trọng.

Bộ Công an khẳng định không có chuyện bỏ quản lý sổ hộ khẩu mà chỉ chuyển hình thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý

Cụ thể, tạo hệ thống dữ liệu dùng chung cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội; đây cũng là căn cứ quan trọng để Nhà nước nghiên cứu, giảm giấy tờ công dân, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đi lại của công dân, giảm thiểu việc đi lại của người dân; nâng cao công tác quản lý, phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm; chia sẻ, kết nối với những lĩnh vực khác, tạo sự chuyển biến cơ bản, đẩy mạnh ứng dụng thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, chính trị.

Thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu theo hướng thông minh. Người dân chỉ khai một lần đầu và từ đó về sau những thông tin này Nhà nước quản lý.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiến hành tập huấn cho Công an các địa phương, các cấp để thực hiện việc nhập dữ liệu vào phần mềm ứng dụng. Chính phủ giao hoàn thành trong 2 năm, tuy nhiên Bộ Công an sẽ cố gắng thực hiện đúng thời gian, bởi việc nhập thông tin cũng như chuyển công nghệ quản lý vô cùng chặt chẽ, cần sự chính xác tuyệt đối.

Không có chuyện bỏ chứng minh nhân dân, căn cước công dân

Cũng tại buổi họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định: Không có chuyện bỏ căn cước công dân, bởi cũng giống như các quốc gia trên thế giới, người dân khi đi ra đường, hay di chuyển ở địa phương này sang địa phương khác hoặc khi cá nhân đó xảy ra vấn đề gì thì căn cước công dân vô cùng quan trọng. Nó giúp cho cơ quan chức năng xác định được cá nhân đó từ đâu đến, danh tính… để phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn, giữ gìn ANTT.

Trung tướng Trần Văn Vệ cũng cho biết, trước đây việc chuyển chứng minh nhân dân sang căn cước công dân đã có những phiền hà nhất định cho người dân trong việc giao dịch. Trong thời gian vừa qua, do sự trục trặc về vật tư nên việc cấp căn cước công dân cũng có sự chậm trễ. Hiện Bộ Công an đã làm chủ công nghệ liên quan đến bảo mật, cấp chứng minh, căn cước công dân liên thông. Từ nay công tác cấp căn cước công dân sẽ không có chuyện bị lỡ, bị quá hạn ngày nhận.

Trả lời các câu hỏi của các phóng viên, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết: Trước khi xây dựng dữ liệu công dân thì Chính phủ đã thảo luận rất kỹ và thống nhất giao cho Bộ Công an triển khai. Cơ sở dữ liệu quốc gia là cơ sở dữ liệu dùng chung và mọi ngành nghề đều cần đến nó.

Việc này giao cho Bộ Công an bởi Bộ đã có thời gian rất dài trong việc quản lý, thu thập, cập nhật từ cấp thôn, xã, phường đến tỉnh, thành phố. Hiện nay Bộ Công an có 2 cơ sở dữ liệu về căn cước và dân cư. Các cơ sở dữ liệu này kết nối với nhau rất nhanh chóng, gọn gàng và chính xác.

Về lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã rà soát hàng chục bộ, ngành, và các bộ ngành đã kiến nghị đề xuất giảm 1.267 thủ tục hành chính. Đề xuất các phương án đơn giản hóa mạnh mẽ các thủ tục hành chính. Bộ Công an chính là đơn vị đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị quyết 112 của Chính phủ.

Đây là dự án công nghệ thông tin lớn nhất toàn quốc. Bộ Công an đã có kinh nghiệm thí điểm ở Hải Phòng. Trong hệ thống quản lý dân cư của Bộ Công an đã có sẵn cả tài nguyên thông tin. Các lực lượng chức năng mang xuống tận người dân để đối chiếu. Khi đã kết nối vào dữ liệu dân cư thì sẽ là thông tin cứng, chính xác và liên tục được cập nhật.

Việc thay chứng minh nhân dân bằng căn cước công dân sẽ được thực hiện trên toàn quốc từ ngày 1-1-2020. Việc thay chứng minh nhân dân bằng thẻ căn cước công dân không có nghĩa là bỏ chứng minh nhân dân. Trường hợp người dân chưa muốn chuyển sang thẻ căn cước công dân mà chứng minh nhân dân còn hiệu lực thì họ vẫn có quyền giữ chứng minh nhân dân. Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thành, việc chia sẻ dữ liệu này sẽ được các bộ, ban - ngành thực hiện.

Thiếu tướng Lương Tam Quang cũng bổ sung, Nghị quyết 112 cần phải được hiểu rằng việc quản lý trước đây của hộ khẩu, căn cước công dân, chứng minh dân dân từ thủ công thì nay sang hiện đại. Thay đổi cải cách thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý công dân. Bộ Công an đã tham mưu Cho chính phủ sửa các luật có liên quan như Luật Cư trú 2006, Luật sử đổi bổ sung của Luật cư trú, 5 Thông tư liên tịch, 18 Thông tư Bộ Công an và 1 Quyết định của Bộ Công an, quy định cho 8 nhóm vấn đề điều chỉnh hóa trong Nghị quyết 112 của Chính phủ.