Quản lý gỗ, củi từ cây loại bỏ: Quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt

ANTĐ - Hàng chục cây hoa sữa đánh nguyên gốc trên đường Nguyễn Chí Thanh cùng hàng trăm khúc gỗ xà cừ lớn, nhỏ được chặt hạ ở tuyến đường Nguyễn Trãi... hiện đang được tập kết tại vườn ươm, kho chứa củi, gỗ chờ bán đấu giá của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội… Ngày 23-3, phóng viên báo chí đã được mục sở thị khu tập kết này.

Quản lý gỗ, củi từ cây loại bỏ: Quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt ảnh 1Một gốc si cổ thụ đang được vùi rễ để kích thích sinh trưởng trở lại
Ảnh: Phú Khánh

Đấu giá theo quy định của Nhà nước 

Khu vườn ươm nằm trên đường K2, có diện tích rộng hàng chục hecta, là điểm ươm, trồng và tập kết những cây xanh được đánh chuyển trên các tuyến phố của thủ đô. Đây cũng là nơi tập kết thân, cành của những cây đã chặt hạ trên các tuyến phố. Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, việc chặt cây và đưa  củi, gỗ về bãi được thực hiện theo đúng quy trình. Về thành phần tham gia thu hồi, gồm giám sát A - Ban quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, cán bộ đội bảo vệ Phòng Hành chính - Tổ chức, cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp, đại diện cán bộ Xí nghiệp quản lý cắt tỉa cây, đại diện tổ đội trực tiếp thực hiện công tác cắt sửa, chặt hạ cây. Các đại diện trên xác định trực tiếp khối lượng thu hồi bằng thước đo đối với tất cả các khúc gỗ, củi (gỗ được quy định có đường kính trung bình tối thiểu là 20cm, còn lại được xác định là củi).

Sau khi đã thống nhất khối lượng, các bên lập biên bản xác định thu hồi tại hiện trường. Biên bản thể hiện ngày, tháng, năm thực hiện thu hồi; Vị trí cây gỗ tại địa điểm thu hồi; Loại gỗ, củi; Tình trạng khúc gỗ thu hồi; Kích thước từng khúc gỗ. Đối với khúc gỗ, củi bị mục nát, mối mọt không tiến hành thu hồi thì các bên chụp ảnh hiện trạng, làm biên bản thống nhất hủy. Về vận chuyển lưu kho, lưu bãi: Sau khi thu hồi tiến hành vận chuyển về tập kết tại bãi gỗ của công ty, có biên bản giao nhận với thủ kho theo đúng nội dung đã thu hồi tại hiện trường. Thủ kho thống nhất ký vào biên bản giao nhận sau khi kiểm lại từng khúc gỗ, củi.

Trên cơ sở số lượng củi, gỗ tại bãi gỗ, công ty tổng hợp báo cáo Sở Tài chính về khối lượng, chủng loại, kích thước và hiện trạng củi, gỗ thu hồi; Thực hiện công tác khảo giá thị trường làm cơ sở thực hiện đấu thầu gỗ, củi; Thông qua công ty đấu giá độc lập thực hiện bán đấu giá theo quy định của Nhà nước.

Về công tác chặt hạ cây, ông Cao Quang Đại - Giám đốc Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây xanh - Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho biết, đầu tiên công nhân sẽ tiến hành cắt tỉa lá, chặt dần dần. Do công việc mang tính đặc thù, nguy hiểm cao nên nhân công phải được đào tạo chuyên môn, xí nghiệp không thuê bên ngoài. Tổng số cây Công ty đã chặt hạ, di chuyển từ đầu năm đến nay là 520 cây, trong đó gỗ xà cừ là 186,932m3; gỗ khác: 31,699m3; củi: 23,425m3. Trong đó, đường Nguyễn Trãi: 294 cây (95 cây xà cừ và 72 cây loại khác; 127 cây có đường kính nhỏ dưới 20cm, không đúng chủng loại…), Phố Huế - Hàng Bài: 115 cây (5 cây xà cừ, 110 cây loại khác), đường Nguyễn Chí Thanh: 111 cây (xà cừ: 1, các loại khác: 98; cây có đường kính nhỏ không đúng chủng loại: 12 cây). 

Ông Nguyễn Xuân Hanh, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất cây xanh, cây hoa, cây cảnh - Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho biết, lượng củi, gỗ sau khi được chuyển về kho bãi, Xí nghiệp sẽ cử nhân viên và bảo vệ canh giữ nghiêm ngặt. Sau đó, số gỗ này sẽ được tổ chức bán đấu giá theo quy định, trung bình là 1 quý 1 lần.

Trồng mới đúng theo thiết kế

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những loại cây được trồng trong đô thị, ông Đỗ Ngọc Hoàng cho biết theo Quyết định số 4340/QĐ-UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, với các tuyến phố hiện đã có cây xanh, thực hiện cải tạo, thay thế theo danh mục cây được trồng. Còn với tuyến phố xây dựng mới, cây trồng mới phải thuộc danh mục 15 loài cây như: Thàn mát (sưa trắng), muồng hoàng yến, bằng lăng nước, ngọc lan trắng, hoàng lan, sếu (cơm nguội), sấu... Cây xanh trồng mới phải có đường kính thân tối thiểu 15cm với chiều cao từ 6-8m và tán cây bảo đảm không ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông. Thân cây thẳng, phân cành cao, dáng cân đối, không sâu bệnh, có hoa đẹp, chịu được thời tiết khắc nghiệt, cây ít rụng lá, xanh tốt quanh năm… Cây xanh trên hè trồng thành hàng theo khoảng cách 5-10m; khoảng cách từ gốc cây ra mép bó vỉa là 1m - 1,2m tùy theo chiều rộng hè; trồng cây cách góc phố 10m tính từ điểm đường giao nhau gần nhất không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông, trồng cách nhà ở hoặc công trình xây dựng 2-3m; trồng cây ở khoảng cách giữa hai nhà dân, không trồng tại vị trí chính diện trước nhà dân; đảm bảo quy định về hành lang an toàn lưới điện và bảo vệ an toàn các công trình thuộc lưới điện cao áp, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Cũng theo ông Hoàng, cây vàng tâm hiện cũng đã được trồng tại một số điểm ở Hà Nội.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hanh, hầu hết cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và sau khi phục hồi sẽ được trồng lại ở nơi thích hợp. Tùy thuộc vào thời tiết và tốc độ tăng trưởng của cây, song thông thường phải mất từ 2-3 năm cây mới có thể mang đi trồng lại với khả năng sống đạt từ 70-80%.