Qua đèo Phước Tượng, ngát hương dầu tràm

ANTĐ - Đi dọc Việt Nam, nếu ai đã từng qua cung đường nối giữa Thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, chắc sẽ lại nhớ câu thơ “một đèo, một đèo, lại một đèo”. Sở dĩ câu thơ của Hồ Xuân Hương xưa cứ “găm” vào đầu là bởi suốt chiều dài của Quốc lộ 1A nối hai đầu Nam - Bắc thì đây là tuyến đường có nhiều đèo nhất. 

Đèo Phước Tượng

Ba con đèo ấy, nếu không kể đến đèo Hải Vân với danh hiệu “Đệ nhất hùng quan” và đèo Phú Gia thấp đến mức không hẳn gọi là đèo thì còn một đèo nữa từng nổi tiếng là “điểm đen nguy hiểm” của những lái xe của đường dài, cũng là khúc đèo đầy lãng mạn với hương dầu tràm vương theo tay lái và phong cảnh nên thơ nếu vượt đèo theo hướng từ Nam ra Bắc. Đó là đèo Phước Tượng.

Đèo Phước Tượng và đèo Phú Gia, trên Quốc lộ 1A, đoạn tiếp giáp giữa hai xã Lộc Trì (phía bắc của đèo) và Lộc Thủy (phía nam của đèo) thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nếu ai muốn cảm nhận vẻ đẹp lãng mạn, bình dị của đèo Phước Tượng thì sẽ phải đi theo hướng Nam – Bắc. Bởi khi qua khỏi đỉnh đèo, hướng về phía Bắc có thể ngắm nhìn toàn cảnh đầm Cầu Hai phía bên phải và núi Bạch Mã ở bên trái. Phía nam, chặng đường chừng 10 cây số nối với đèo Phú Gia ngây ngất hương thơm dầu tràm, đây là nơi sản xuất dầu tràm nổi tiếng ở Thừa Thiên – Huế.

Đèo Phước Tượng không hung hiểm như những con đèo Tây Bắc, cũng không hùng vĩ như Hải Vân, không dài như Pha Đin, như Ô Quy Hồ… Phước Tượng thấp hơn, nhỏ hơn với chặng đường ngắn nhưng hẹp với độ dốc nghiêng khá lớn. Đổ đèo hướng Bắc, trong một không gian xanh thẳm rừng Bạch Mã và một bên đối diện nước trời đầm Cầu Hai. Những tay lái rất dễ thả trôi tâm trí theo cảm xúc mà quên mất con đường phía trước vẫn đang vòng vèo, nguy hiểm. Đứng trên đèo Phước Tượng mà phóng mắt về phía đầm nước biếc xanh. Những chiếc thuyền cong như những chiếc lá khô màu xám bồng bềnh trên mặt nước lóng lánh soi bóng mây trời. Con đường dưới chân đèo như nét kẻ dọc chia hai nửa không gian, bên núi bên đầm. Những xóm chài nhỏ bên đầm bình dị tô điểm cho bức tranh thiên nhiên và con người thêm phần sinh động, đáng yêu.

Tới đây, khi đường hầm xuyên đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia hoàn thành, chắc sẽ chỉ còn những người yêu thiên nhiên, đam mê khám phá những cung đường xê dịch, những ai có hứng thú với việc ôm cua, bẻ lái, đổ đèo mới đi qua tuyến đèo này. Chắc chắn rằng đèo Phước Tượng khi ấy sẽ là điểm đến của những tay “xê dịch” miền Trung, bởi trên đèo, những hiểm nguy của cung đường từng được mệnh danh là “điểm đen” tai nạn giao thông sẽ không còn nữa. Chỉ còn lại những bước chân khám phá, những đôi mắt tò mò soi vào bao la phong cảnh thiên nhiên, đất trời đẹp như một bức tranh.