Qua cầu Hàm Rồng, ngắm dòng sông Mã

ANTĐ -Trên Quốc lộ số 1, trước khi vào thành phố Thanh Hóa, bạn sẽ qua một loạt các cây cầu mà nổi tiếng nhất là cầu Hàm Rồng.
Qua cầu Hàm Rồng, ngắm dòng sông Mã ảnh 1

Cầu Hàm Rồng và núi Rồng, núi Ngọc

 Suốt nhiều năm, cây cầu này đón nhận không biết bao bước chân qua. Sau khi cây cầu Hoàng Long song song với cầu Hàm Rồng được khánh thành vào năm 2000 thì cầu Hàm Rồng chỉ còn dành cho đường sắt. Dân phượt mỗi khi qua Thanh Hóa đều chọn nhánh rẽ phải để được đi trên cây cầu lịch sử - cầu Hàm Rồng.

Những năm chưa xa lắm, bãi biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển đẹp ở miền Bắc thu hút người dân đến nghỉ hè nhiều nhất. Xe ô tô thường đi qua cầu Hàm Rồng. Con đường ô tô qua cầu sát với đường sắt, năm xưa là hàng quán san sát với thứ đồ uống thiên nhiên -nước dừa Thanh Hóa, rồi lại cả bánh đa vừng ăn cùng cùi dừa. “Chồng đánh không chừa cùi dừa bánh tráng” - những thứ quà dân dã đó suốt bao năm níu chân du khách.

Cũng do cầu Hàm Rồng nằm ngay gần địa phận xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nơi này nổi tiếng với dừa làng Nghĩa, cùi dày, trắng muốt, giòn thơm và nước thì ngọt mát vô cùng. Mỗi khi đi qua cầu Hàm Rồng, chẳng nói gì thì cũng vẫn ngước mắt nhìn hai quả núi hai bên đầu cầu từng là địa điểm đặt cao xạ bắn máy bay. Rồi nhìn ngang hút mắt theo dòng sông Mã, du khách cũng lại dừng chân uống nước dừa, nhấm nháp bánh đa vừng với cùi dừa trắng muốt. Những năm chưa xa ấy, vỏ dừa chất kín hai bên đầu cầu mà nhiều người còn gọi vui Hàm Rồng là “cầu mua dừa”.

Tháng 10-2000, khi cây cầu Hoàng Long được xây dựng song song với cầu Hàm Rồng, Quốc lộ số 1 đoạn này được nắn chút để xe cộ vào Thanh Hóa chuyển sang chạy qua cầu Hoàng Long. Cầu Hàm Rồng từ đây chỉ còn dành chủ yếu cho đường sắt. Phần đường ô tô hai bên chỉ có dân địa phương đi lại. Hàng quán bán dừa, bánh đa và nem chua lại chuyển sang bám trụ cung đường mới. Cầu Hàm Rồng từ đó vắng tanh. Món cùi dừa bánh đa cũng ít được biết đến hơn, mà thay vào đó là nem chua để làm mồi cho bia, nhất là bia Thanh Hoa.

Cầu Hàm Rồng do Pháp xây dựng từ năm 1904,  nhưng rồi bị phá hủy. Đến năm 1964 được xây dựng lại, thời chiến tranh, Hàm Rồng oằn mình dưới không biết bao nhiêu trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Đến năm 1972 thì cầu Hàm Rồng bị đánh sập bởi bom lazer. Chính những chiến tích đó khiến cho cầu Hàm Rồng mang trên mình nhiều dấu ấn lịch sử và nhân dân ở đây cũng tự hào khi “có cụ già bắn rơi máy bay”. Sau Hiệp định Geneve 1973, cầu Hàm Rồng được khôi phục và trở thành điểm nối huyết mạch trên cung đường từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam.

Hiện nay cầu Hàm Rồng chỉ còn phục vụ cho đường sắt là chủ yếu. Dân ham đi mỗi lần phóng xe máy qua Thanh Hóa đều chọn cầu Hàm Rồng để vượt sông. Bởi lẽ, mỗi chuyến đi phượt đâu chỉ là di chuyển mà còn phải đi trên những con đường, những địa danh, những chứng tích lịch sử.

Qua cầu Hàm Rồng, nếu đi đúng vào lúc có tàu hỏa chạy song song, bạn sẽ cảm nhận được cây cầu đang rung lên theo từng nhịp lắc. Để rồi, khi con tàu vút qua, mọi vật trở lại yên lặng để ngắm nhìn dòng sông Mã xanh ngắt chảy từ tít tận vùng cao Tây Bắc phía bên Lào, chảy qua cả các địa danh “Tây Tiến” rồi đổ về Biển Đông. Hai ngọn núi hai đầu cầu có tên núi Rồng và núi Ngọc vẫn còn đó như làm chứng cho cây cầu máu lửa một thời, sừng sững soi bóng xuống dòng sông Mã. 

Chân cầu Hàm Rồng, ven sông Mã nay được xây dựng thành công viên Hàm Rồng. Nhiều đôi trai gái giờ chọn cầu Hàm Rồng làm nơi hò hẹn. Còn dân phượt, thi thoảng có người yêu cây cầu này đến nỗi, đi qua rồi mà vẫn thích thú vòng trở lại để đi thêm trên cây cầu này một lần nữa.