Quà biếu tặng, nếu không từ chối được phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền

ANTD.VN - Trước dư luận bất bình quanh việc một số địa phương nhận quà biếu giá trị lớn của doanh nghiệp thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần quy định chặt chẽ việc này để tránh tiêu cực.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại hội nghị chiều 4-4

Ngày 4-4, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Quà tặng không đúng phải từ chối 

Báo cáo một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phần quy định về quản lý, sử dụng tài sản cho, biếu, tặng vẫn còn ý kiến khác nhau. Pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng.

Trong đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật. Đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Góp ý về nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những sự việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua trong việc quản lý, sử dụng các loại tài sản cho/biếu/tặng là bài học đắt giá. “Ranh giới giữa việc sử dụng tài sản do cá nhân, doanh nghiệp biếu, tặng cho mục đích công hay cho nhu cầu cá nhân rất khó xác định, thậm chí dễ nảy sinh tiêu cực. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp tặng, cho tài sản mà cơ quan Nhà nước nhận thì chắc chắn sẽ phát sinh tình trạng đối xử mất công bằng giữa các doanh nghiệp trên cùng một địa bàn” – ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.

Đồng quan điểm, nhiều ĐBQH đề nghị dự luật cần quy định chặt chẽ từ việc nhận các tài sản theo đúng quy định của pháp luật đến mục đích của việc sử dụng tài sản đó. 

Cán bộ làm sai phải xin lỗi, bồi thường dân

Góp ý vào dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, dự luật vẫn quy định việc tổ chức xin lỗi công khai chỉ thực hiện trong trường hợp người bị oan có yêu cầu cơ quan Nhà nước xin lỗi là không phù hợp. Tương tự, một số ý kiến khác đề nghị, không chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị oan sai mà còn phải bồi thường cho người thân của người bị thiệt hại bởi trên thực tế, họ cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần.

Cũng về dự luật này, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nêu quan điểm: “Bất luận trong trường hợp nào, công chức Nhà nước làm sai thì phải bồi thường chứ không thể đặt vấn đề theo kiểu cái này sai thì bồi thường, cái kia sai thì không”. Cũng theo ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, nếu luật quy định giao trách nhiệm thực hiện bồi thường cho cơ quan tố tụng hay cơ quan gây ra thiệt hại thì sẽ khó đảm bảo quyền lợi của cả người dân và Nhà nước.

“Có tới 70-80% các trường hợp bồi thường chậm vì cơ quan gây ra thiệt hại dây dưa. Mặt khác, còn có cả việc cơ quan thực hiện bồi thường và người được bồi thường thỏa thuận với nhau nâng giá bồi thường lên cao để cùng lấy tiền ngân sách. Có vụ lúc đầu đòi bồi thường 20 tỷ đồng, sau đó thỏa thuận thế nào còn 10 tỷ đồng nhưng cuối cùng kết luận chỉ còn bồi thường vài tỷ đồng” – ông Nguyễn Đình Quyền dẫn chứng.