Phụ nữ thường không có nhiều cơ hội tiếp cận việc làm lương cao

ANTD.VN - Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH thu nhập bình quân của phụ nữ là 5,22 triệu đồng/tháng, bằng 81,1% mức thu nhập bình quân của nam giới. Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao.

Lao động nữ chủ yếu làm trong những ngành nghề dễ tổn thương

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về nỗ lực bình đẳng giới, xếp thứ 33/149 trong mục ‘Phụ nữ tham gia và được tạo cơ hội phát triển kinh tế’, và xếp thứ 8 trong khu vực Tây Á - Thái Bình Dương.

Năm 2018, phụ nữ là chủ doanh nghiệp đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp và xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam đang là quốc gia duy nhất của châu Á có mặt trong top 10 nước cao nhất toàn cầu về chỉ số này, tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm cho nữ cũng có nhiều chuyển biến tích cực, trong số người được tạo việc làm mới thì lao động nữ chiếm 48%. Những mô hình tạo việc làm có hiệu quả thu hút được nhiều lao động nữ tham gia.

Tuy nhiên, lao động nữ chủ yếu làm trong những ngành nghề được trả lương thấp, chẳng hạn như trên các dây chuyền lắp ráp và bán hàng, và ít có khả năng trở thành lao động có kỹ năng, dù trình độ học vấn cao.

Theo TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, ở Việt Nam lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo vẫn luôn ở mức thấp, đồng thời thấp hơn so với lao động nam. Những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, khu vực phi chính thức thì lao động nữ chiếm tỷ trọng cao hơn so với nam.

Ngược lại, những nghề có vị thế cao thì lao động nữ lại chiếm tỷ lệ thấp. Ví dụ, quản lý trong các ngành, cấp, đơn vị thì lao động nữ chiếm 0,59%, trong khi lao động nam 1,52%. Hay, nhân viên dịch vụ và bán hàng, lao động nữ chiếm 22,7%, lao động nam là 13,18%.

Phụ nữ vẫn ở thế yếu hơn so với nam giới trong các công việc có thu nhập tốt và khả năng thăng tiến. Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên, các nhà nghiên cứu về giới cho rằng, phụ nữ luôn ở thế yếu hơn một phần do quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của họ.

Bên cạnh đó, chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình vẫn luôn được cho là nhiệm vụ chủ yếu, trách nhiệm của phụ nữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia vào thị trường lao động và tiếp cận các dịch vụ công của phụ nữ.

Theo các chuyên gia, để xóa bỏ định kiến giới trong thị trường lao động về công việc phù hợp với nữ và nam cần khuyến khích đào tạo nghề nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ trong các lĩnh vực nam giới vẫn chiếm ưu thế.