Phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế

(ANTĐ) - Khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động trong các khu công nghiệp và địa bàn trọng điểm. Các đại biểu tham dự hội thảo “Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: tác động và cơ hội đối với phụ nữ” diễn ra ngày 5-8 đều cho rằng, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng.

Phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế

(ANTĐ) - Khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động trong các khu công nghiệp và địa bàn trọng điểm. Các đại biểu tham dự hội thảo “Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: tác động và cơ hội đối với phụ nữ” diễn ra ngày 5-8 đều cho rằng, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng.

Có việc làm trong khủng hoảng kinh tế là may mắn với các lao động nữ
Có việc làm trong khủng hoảng kinh tế là may mắn với các lao động nữ

Theo thống kê, tại Việt Nam, phụ nữ chiếm khoảng 50,8% dân số cả nước và hơn 49% lực lượng lao động. So với thế giới, Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia hoạt động kinh tế cao, chiếm 83% tổng số nữ trong độ tuổi lao động. Theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì lao động nữ Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong những ngành lao động giản đơn, không đòi hỏi kỹ thuật, chuyên môn cao như: nông, lâm nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày... Đây là những ngành chịu nhiều tác động của khủng hoảng nên đời sống của phụ nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thu nhập giảm sút, nguy cơ tái nghèo cao, nhiều phụ nữ mất việc làm.

Năm 2008, cả nước có 67.000 người mất việc làm, trong đó phụ nữ chiếm 25%. Riêng 6 tháng đầu năm nay, số lao động mất việc trên cả nước có hơn 107.200 người, trong đó phụ nữ chiếm 31%, tương đương với hơn 33.200 phụ nữ bị mất việc. Ông Đào Việt Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: “Con số này chưa phản ánh hết khó khăn của phụ nữ bởi rất nhiều phụ nữ Việt Nam làm việc tại các cơ sở nhỏ, không có hợp đồng chính thức”. Các công nhân nữ nhập cư hiện đang phải chịu cảnh mất việc làm rõ nhất. Thời gian lao động của họ nhiều hơn nam giới, và họ thường phải làm ngoài giờ để có thêm thu nhập.

Ông Phạm Nguyên Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định: “Phụ nữ thường làm việc ở những vị trí dễ bị tổn thương, không sử dụng được hết khả năng lao động, thiếu sự ràng buộc của xã hội và dễ bị thất nghiệp. Bên cạnh đó, phụ nữ ít được tiếp cận các nguồn lực kinh tế - xã hội”. Những lý do này khiến cuộc khủng hoảng càng để lại hậu quả nặng nề với phụ nữ.

Cũng theo ông Cường, tuy đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ Việt Nam đã được nâng cao, song tư tưởng Nho giáo vẫn đặt dấu ấn sâu đậm trong tư tưởng của người dân. Bà Trương Thị Mai cũng cho rằng, phụ nữ là người nắm giữ tài chính trong gia đình, thế nên nếu gia đình có người mất việc làm hoặc có chuyện liên quan đến tài chính thì mức độ chi tiêu của gia đình đó sẽ bị sụt giảm. Khi đó, người phụ nữ lại “thắt lưng buộc bụng”, co chi tiêu của chính họ lại để nhường điều kiện tốt hơn cho các thành viên khác trong gia đình.

Suy thoái kinh tế ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe phụ nữ bởi chi phí y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe giảm sút. “Phụ nữ trở thành những người nghèo nhất trong những người nghèo tại thời điểm suy giảm kinh tế. Trong khi đó, bảo hiểm thất nghiệp chỉ mới vận hành từ đầu năm 2009, sang năm 2010 mới bắt đầu chi trả. Tuy nhiên, luật này cũng chưa phát huy tác dụng vì số lao động trong khu vực chính thức còn thấp” - bà Mai nói. Thực tế cho thấy, số lượng lao động trong khu vực phi chính thức: sản xuất nông nghiệp hộ gia đình, không đăng ký kinh doanh... đa số là nữ giới và không tham gia bảo hiểm xã hội.

Ông John Hendra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Phụ nữ đang chịu nhiều tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng. Điều này làm tăng vấn đề bất bình đẳng giới hiện nay do khả năng tiếp cận không cân bằng của phụ nữ tới các nguồn, các cơ hội”.

Để giải quyết vấn đề này, ông Phạm Nguyên Cường đề xuất, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo kỹ năng sống, nâng cao trình độ chuyên môn cho phụ nữ. Tạo điều kiện để họ vươn lên, làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về phụ nữ và bình đẳng giới. Còn theo bà Mai, Nhà nước nên tập trung đến vấn đề việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và hướng đến các đối tượng dễ bị tổn thương như: người nghèo, phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. Chính sách an sinh xã hội được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng khu vực nông thôn, thành thị, vùng sâu, vùng xa trên cả nước.

Vân Hằng