Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

ANTĐ - Theo số liệu của Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung Ương, tính đến tháng 10 dịch sốt xuất huyết tại nước ta đã lên đến đỉnh điểm. Nếu tháng 9 mới có 30.000 ca mắc bệnh với số người chết là 18 thì đến tháng 10 này số người mắc bệnh đã lên đến 43.000 người với 28 ca tử vong. 

Hơn 51 tỉnh, thành trong cả nước đã xuất hiện bệnh sốt xuất huyết trong đó TP.HCM có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất cả nước với 9.000 ca (tăng 70% so với cùng kỳ năm 2014). Tại Hà Nội, chỉ riêng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 28-9 đã có 650 ca. Tháng 10 này con số này lại tăng với tỉ lệ đáng ngại là hơn 10%.

Như vậy là bình quân mỗi ngày có tới 200-300 người đến khám trong đó có 50 đến 100 người mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện có 220 giường thì số bệnh nhận sốt xuất huyết nằm điều trị lên đến 400 người. Do đó tình trạng ghép 2-3 bệnh nhân một giường đã thành phổ biến. Hơn 4% số bệnh nhân vào viện là trường hợp bị nặng, một số tử vong do chủ quan. Cũng theo số liệu của bệnh viện cho biết thì đa số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết ở đây đều tập trung ở các quận Hoàng Mai,  Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì… 

Tính từ hai thập niên trở lại đây bệnh sốt xuất huyết thường xuyên xuất hiện ở nước ta và gần như đã thành quy luật. Ở các tỉnh phía Nam bệnh có thể xuất hiện bất kỳ thời gian nào trong năm vì địa hình nhiều sông rạch, cây cối phù hợp với môi trường phát và lây bệnh sốt xuất huyết. Còn ở các tình miền Bắc và miền Trung, bệnh sốt xuất huyết thường bắt đầu vào tháng 5, tháng 6 khi mùa mưa và nóng bắt đầu và cao trào của bệnh thường rơi vào tháng 9, tháng 10…

Từ những cá thể đơn lẻ nếu không có biện pháp phòng ngừa tích cực và hữu hiệu sẽ nhanh chóng trở thành bệnh dịch đe dọa tính mạng của cộng động dân cư, nhất là trẻ em. Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách: Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt bọ gậy (lăng quăng).

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa... Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần. Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông). Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.