Phổ cập kỹ năng bơi lội phòng ngừa đuối nước mùa hè

ANTD.VN - Các vụ đuối nước  thương tâm liên tục xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Bình Định, Gia Lai... trong nửa cuối tháng 3-2017 khiến dư luận băn khoăn, lo lắng.

Nhiều trường học ở Hà Nội đang đầu tư bể bơi thông minh để phổ cập bơi cho học sinh

Dù chưa vào hè nhưng cả nước đã xảy ra nhiều tai nạn đuối nước hết sức thương tâm như vụ 4 nữ sinh lớp 6 cứu nhau bị chìm ở sông Sê San, Gia Lai hay trường hợp 3 nam sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trãi, Quảng Ngãi đi tắm biển bị sóng cuốn... Những tai nạn này cho thấy cần khẩn trương hơn nữa trong việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh. Hà Nội là một trong những địa phương đang tích cực triển khai nội dung này trong nhà trường.

Giải pháp bể bơi thông minh 

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng    GD-ĐT quận Thanh Xuân cho biết, Thanh Xuân đang nỗ lực đạt mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh lớp 4, 5 và tiến tới các lớp nhỏ hơn. Để đạt được mục tiêu này, UBND quận Thanh Xuân đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Đối với những trường gần với các trung tâm thể thao, doanh nghiệp có bể bơi, quận hỗ trợ miễn phí sử dụng bể bơi dạy cho học sinh. Nhà trường và phụ huynh trả phần kinh phí đi lại và thù lao cho giáo viên dạy bơi. 

Với các trường học không gần bể bơi, quận sẽ hỗ trợ lắp bể bơi thông minh tại nhà thể chất ở các trường để dạy. Sau khi hoàn thành khóa học, học sinh biết bơi 25m đúng kỹ thuật. Hiệu trưởng Tiểu học Kim Giang Chu Thị Thu Hương cho biết, phụ huynh, học sinh đều rất hào hứng với mô hình bể bơi thông minh trong nhà giáo dục thể chất: “Mỗi buổi dạy khoảng 20 học sinh. Nhiều phụ huynh đến tham quan rất an tâm vì có giáo viên chủ nhiệm, 3 thầy giáo dạy bơi của ĐH Sư phạm thể dục thể thao phụ trách, thêm một cán bộ cứu hộ giám sát bên ngoài”. 

Về kinh phí học bơi, mỗi học sinh được quận hỗ trợ 30%, số còn lại phụ huynh phải đóng hơn 800.000 đồng/học sinh. Được thông tin đầy đủ, đa số phụ huynh học sinh đồng thuận, ủng hộ. 

Cần cơ chế đặc thù

Từ thực tế triển khai thời gian qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã chủ động tham quan, nghiên cứu mô hình này để tham mưu với UBND các địa phương cho phép áp dụng triển khai tại các trường tiểu học trên địa bàn. Nhìn nhận về việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT đã quy định rõ ràng về thu - chi trong trường học, xã hội hóa ra sao, thu gì, chi thế nào…

Tuy nhiên, với việc lắp đặt bể bơi thông minh trong trường học, để tránh việc phụ huynh kêu ca, nhà trường nên có phương án chi tiết chi phí lắp đặt một bể bơi, từ đó tuyên truyền kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh và các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. 

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Ngành giáo dục phải có cơ chế đặc thù, có chỉ đạo, cho phép trường thu phí tối thiểu bao nhiêu, một cách thống nhất, đồng đều để các nhà trường dễ thực hiện. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt vấn đề này, phải có sự kết hợp, tham gia của các sở, ngành, thành phố… về kinh phí”.

Ngoài việc lắp đặt bể bơi thông minh trong trường học, nhiều quận huyện hiện chủ yếu áp dụng hình thức liên kết với các công ty, trung tâm thể dục thể thao mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, thực hiện việc giảm học phí cho các học sinh khác từ  30% đến 70% trong 3 tháng hè. Những lớp học như vậy thu hút rất đông học sinh tham gia học bơi. Bởi với mức phí học bơi ở ngoài mất từ 2 triệu đến 3 triệu đồng một khóa học 12 buổi thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học.