Phí tăng, chất có tăng

ANTĐ - Cũng như viện phí, học phí phải tăng là điều khó tránh khỏi vì ngân sách Nhà nước không đủ chi cho giáo dục. Song, tăng học phí phải kèm theo các điều kiện: có chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo; các trường phải công khai, minh bạch chi tiêu, đặc biệt chất lượng giáo dục phải tăng theo.

Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, nói đến giáo dục, người dân nghĩ ngay đến việc đóng tiền và ít người thấy giáo dục là một phúc lợi xã hội cơ bản. Chi phí cho giáo dục đang trở thành một gánh nặng thực sự. Mặc dù, theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, học phí đại học sẽ chia làm 2 nhóm: trường đại học tự đảm bảo chỉ tiêu thường xuyên và chi đầu tư; trường đại học chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Cả 2 nhóm trường này đều xây dựng mức học phí theo lộ trình “tính đủ” chi phí đào tạo. Theo đó, với các trường theo cơ chế tự chủ, có 3 mốc là năm 2016, 2018 và 2020 sẽ đạt mục tiêu tính đủ chi phí tiền lương, quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Có lẽ, người thu nhập thấp “buộc bụng” nuôi con mấy năm đại học chẳng mấy quan tâm tới lộ trình này. Họ chỉ nhìn thấy trước mắt học phí đại học tăng trong khi thu nhập đứng yên.

Đương nhiên, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó học phí chỉ là một thành tố. Tuy vậy, giáo dục và y tế không phải là dịch vụ “mua bán” theo cơ chế thị trường. Học phí càng không phải là giá điện, giá xăng. Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, xây dựng học phí không thể dựa vào căn cứ theo lạm phát. Một quan chức Bộ GD-ĐT, sau khi viện dẫn đủ các loại văn bản, giấy tờ, đã tuyên bố, mức học phí mới không tác động lớn đến người học.

Trong khi đó, một số hiệu trưởng đại học công lập thừa nhận, mức tăng học phí như hiện nay đối với người học là cao, mức cho vay đối với sinh viên nghèo lại thấp. Viện phí, học phí phải tăng theo lộ trình là hợp lý và cần thiết. Song hai gánh nặng này vẫn gia tăng áp lực lên đại bộ phận người thu nhập thấp. Không chỉ có vậy, phụ huynh còn có vô vàn mối lo khác. Học phí tăng nhưng ai sẽ kiểm soát chất lượng đào tạo? Chi phí tăng mà chất lượng đào tạo vẫn đứng yên thì đầu ra đại học đến bao giờ mới được cải thiện, mới giảm được “đội ngũ” xếp hàng thất nghiệp mỗi năm? Đấy là chưa kể, trong bảng xếp hạng 800 trường đại học hàng đầu thế giới vừa được công bố, tìm đỏ mắt không thấy một trường nào của Việt Nam.