Phí môi giới xuất khẩu lao động Đài Loan "vượt rào", Bộ LĐ-TB&XH nói gì?

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước thông tin phản ánh doanh nghiệp thu phí “vượt rào” khi môi giới xuất khẩu lao động đi Đài Loan.

Phí môi giới xuất khẩu lao động Đài Loan "vượt rào", Bộ LĐ-TB&XH nói gì? ảnh 1

Nhiều phản ánh cho thấy mức phí môi giới xuất khẩu lao động đi Đài Loan tăng vọt

so với quy định

Báo cáo của Bộ LĐ-TB-&XH thừa nhận, trong những năm qua, tình trạng người lao động bị thu phí cao hơn quy định diễn ra tương đối phổ biến, xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc lao động bị thu phí cao có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, luật pháp Đài Loan không cho phép công ty dịch vụ việc làm Đài Loan thu phí môi giới, nhưng do cạnh tranh giữa các công ty này đề được chủ sử dụng ủy quyền tiếp nhận lao động nước ngoài dẫn đến việc các công ty dịch vụ phía Đài Loan thường yêu cầu một khoản phí môi giới rất cao mới tiếp nhận lao động đối với tất cả các nước. Chi phí này lên tới 3.000-4.000 USD đối với lao động Việt Nam làm việc trong nhà máy.

Mức phí môi giới xuất khẩu lao động đi Đài Loan đối với lao động Việt Nam thường cao hơn các nước khác được giải thích là do trình độ và ý thức của người lao động Việt Nam kém hơn, tỷ lệ phá bỏ hợp đồng cao nên mang lại nhiều rủi ro cho bên sử dụng lao động…

Tiếp nữa là việc cạnh tranh với các nước cùng đưa lao động vào Đài Loan để lấy thị phần, đồng thời nội bộ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam cũng cạnh tranh với nhau theo cách không lành mạnh, chấp nhận mức phí môi giới cao hơn, đẩy gánh nặng cho người lao động.

Mặt khác, nhu cầu đi làm việc tại Đài Loan của lao động Việt Nam cao, nên nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động cũn thực hiện các hoạt động “cò mồi”, môi giới, lừa đảo thu tiền của người lao động.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra một số giải pháp như chọn lựa, đề xuất các nội dung quản lý thị trường, giám sát doanh nghiệp, các tiêu chuẩn tham gia thị trường và điều kiện hợp đồng để đưa vào quy định nhằm minh bạch và đảm bảo hoạt động quản lý, điều hành.

Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có nhiều vụ việc khiếu nại, chậm trễ giải quyết khiếu nại phát sinh của người lao động cũng như doanh nghiệp bị phát hiện có dấu hiệu sai phạm về tuyển chọn, đào tạo, thu phí. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ chú trọng kiểm tra đột xuất nhằm gia tăng hiệu quả giám sát…

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, báo cáo về thông tin báo chí phản ánh người lao động Việt Nam tại Đài Loan phải trả phí môi giới lao động quá cao.

Theo báo chí phản ánh, Đài Loan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 60% tổng số lao động đi nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng thu phí “trên trời” và nạn bỏ trốn khiến Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất thị trường này.

Điều đáng nói là mặc dù từ năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã có quy định các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ được thu phí môi giới ở mức 4.000 USD, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “vượt rào”. Khảo sát tại một số doanh nghiệp ở Hà Nội, giá đi Đài Loan đều bị đội lên từ 1.000 - 2.000 USD.