Phí Bảo hiểm y tế tăng, chất lượng có tăng?
(ANTĐ) - Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua sẽ chính thức đi vào cuộc sống từ 1-7-2009. Theo luật này, mức đóng BHYT tối đa sẽ tăng từ 3% như hiện nay lên 6% trên tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp. Tuy vậy, để đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT, khả năng cân đối quỹ hay sự gia tăng chi phí khám chữa bệnh (KCB)…, mức đóng sẽ được chia theo từng nhóm đối tượng cụ thể.
Mức đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng |
Mức phí tăng theo từng nhóm
Hiện nay, mức phí đóng BHYT chung là 3% lương tối thiểu. So sánh trên mặt bằng chung chi phí cho các dịch vụ KCB hiện nay thì mức đóng này là tương đối thấp. Phần lớn người tham gia BHYT là những người nghèo, người có bệnh, khiến cho ngành BHYT thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
Hệ quả thể hiện rõ nhất chính là việc số người tham gia BHYT tăng tỷ lệ nghịch với mức tăng quỹ BHYT. Theo thống kê đến hết năm 2007, số người tham gia BHYT đã chiếm 43% dân số, song quỹ BHYT thì “âm” đến 1.900 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng phương án mức đóng BHYT phù hợp với từng thời kỳ. Theo đó, có 2 phương án được đưa ra. Thứ nhất, với điều kiện viện phí chưa tính đúng, tính đủ như hiện nay thì có thể quy định một số nhóm đối tượng như người nghèo được đóng ở mức 3% lương tối thiểu, còn các đối tượng khác thì từ 4-4,5%.
Phương án 2 là nếu viện phí thay đổi thì mức đóng cũng được thay đổi và mức đóng tối đa sẽ là 6%, riêng các nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước chi trả dự kiến sẽ đóng trong khoảng 4-4,5%...
Luật BHYT là cơ chế pháp lý cao nhất cho việc thực hiện chính sách BHYT với mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân. Luật xác định trần mức đóng BHYT tối đa bằng 6% trên tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp… nhưng tính toán mức đóng, mức hỗ trợ cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc tính toán mức đóng như thế nào là cả một bài toán nan giải, bởi còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố như điều kiện phát triển kinh tế xã hội; lộ trình điều chỉnh tiền lương và chính sách viện phí; tỷ lệ bao phủ BHYT; khả năng cân đối quỹ hay sự gia tăng chi phí KCB…
Cũng theo bà Hương, mức đóng cũng được chia theo từng nhóm: Đối với người hưởng lương thì người sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3; ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ tối thiểu 30% cho hộ cận nghèo, nông dân…
Để đảm bảo tính thực thi, Luật BHYT quy định rõ cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì cùng với việc đóng đủ số tiền chưa đóng còn phải nộp số tiền lãi trong thời gian chậm đóng theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền sẽ áp dụng hình thức xử lý vi phạm hành chính.
Vẫn chưa hết nỗi lo
Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng mức phí BHYT là cần thiết, song vấn đề là mức đóng phí gia tăng có tỷ lệ thuận với chất lượng khám chữa bệnh, quyền lợi của người tham gia hay không? Luật có bổ sung thêm một số nhóm đối tượng như người nhiễm HIV, người hiến ghép mô tạng cũng được hưởng quyền lợi, đồng thời một số quyền lợi khác sẽ được mở rộng như khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh, mở rộng chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên…
Như vậy, quyền lợi của người tham gia được mở rộng hơn. Vấn đề nằm ở chỗ cơ quan thực hiện quyền lợi đó, nói đúng hơn là vấn đề chất lượng KCB cho người KCB bằng BHYT có được nâng cao hay không thì còn phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố, đó là cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế và từ chính phía cơ sở KCB...
Trên thực tế, những năm gần đây luôn tồn tại mối quan hệ khá phức tạp, thậm chí là mâu thuẫn giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB BHYT liên quan đến vấn đề cân đối quỹ, chi trả cho bệnh nhân. Đứng trên góc độ tự chủ tài chính thì các BV luôn muốn tăng nguồn thu, còn về cân đối quỹ thì bên BHXH phải tạo hiệu quả chi một cách hợp lý, do đó rất khó có sự thống nhất hoàn toàn giữa BV và cơ quan BHXH trong việc sử dụng, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân KCB bằng BHYT một cách hợp lý.
Bà Tống Thị Song Hương cũng cho rằng, vấn đề quản lý nguồn quỹ BHYT, chính sách sử dụng linh hoạt nguồn tài chính, ngân quỹ trong việc hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo... đang là những thách thức mà không phải một sớm, một chiều có thể thay đổi được. Mục tiêu của chúng ta là đạt được BHYT toàn dân, do đó phải làm thế nào để chất lượng KCB nâng lên thì người dân mới tham gia BHYT, đây là vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều ngành trước hết là ngành y tế.
Tiến Hưng