Phát triển bảo tàng tư nhân: Cần “xã hội hóa” đúng hướng

ANTĐ - Giữ vai trò không nhỏ trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống cũng như thúc đẩy phát triển du lịch, nhưng phát triển bảo tàng tư nhân ở nước ta vẫn còn nhiều dè dặt. Tư nhân chưa thực sự “mặn mà”, hay chúng ta chưa tạo điều kiện tốt nhất cho những người muốn thành lập bảo tàng?

Bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ là nơi lưu giữ nhiều bức tranh có giá trị

Vẫn còn nhiều e ngại 

Bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) được coi là bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên của cả nước. Bắt đầu sưu tập tranh từ năm 1988, nhưng phải đến năm 2006, họa sỹ Phan Thị Ngọc Mỹ mới thành lập bảo tàng dưới tên mình. Khuôn viên xấp xỉ 500m2 là nơi chứa hơn 1.000 bức tranh có giá trị. Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập những tác phẩm quý giá của thế hệ họa sỹ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái… Tuy nhiên, ít người đủ niềm đam mê và khả năng để thành lập được một bảo tàng tư nhân như nữ họa sỹ này. Bên cạnh các thiếu thốn cơ sở hạ tầng, kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động…  tâm lý e ngại khi thành lập bảo tàng cũng là một trong những rào cản trong việc phát triển mô hình này ở Việt Nam. Sự dè dặt ấy có thể bắt nguồn những nghi ngại về “độ mở” của những cơ chế, thủ tục trong việc cấp giấy phép thành lập bảo tàng.  

Khi thế giới đã phát triển loại hình này từ lâu thì ở Việt Nam còn khá khiêm tốn với một vài cái tên như Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội), Bảo tàng không gian văn hóa Mường (Hòa Bình), Bảo tàng Lê Bá Đảng (Huế), Bảo tàng Cội nguồn (Phú Quốc)… Bên cạnh các bảo tàng mỹ thuật, số lượng bảo tàng trưng bày cổ vật có giá trị vẫn còn tương đối ít. Trên thực tế, khi số lượng người “chơi” nắm giữ cổ vật ở Việt Nam đang ngày một gia tăng, thì việc huy động nguồn lực này từ trong nhân dân là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là một “gánh nặng” với mỗi Sở VH-TT&DL khi lực lượng những người làm việc trong lĩnh vực này còn khá mỏng, trong khi nhu cầu giám định lại quá lớn. Bên cạnh đó, việc “chuẩn hóa” trình độ giám định cổ vật cũng là bài toán nan giải, nhất là khi trên thị trường đang tồn tại quá nhiều đồ giả “đội lốt” cổ vật với đủ chiêu thức tinh vi.  

Bảo tàng “Cội nguồn” (Phú Quốc) đang trở thành một điểm tham quan hấp dẫn

Dưới ngưỡng chuyên nghiệp  

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, để được gọi là bảo tàng, phải đáp ứng những yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan, có nhà trưng bày trong và ngoài trời, kho bảo quản, đội ngũ chuyên môn, bộ máy hành chính… Việc phát triển bảo tàng tư nhân ở nước ta mới chỉ ở dưới dạng “thứ cấp”, chưa đạt đến ngưỡng của bảo tàng chuyên nghiệp. Thực chất, nhiều địa chỉ vẫn ở dạng phòng triển lãm, phòng trưng bày… chưa đủ quy mô để thành lập bảo tàng. Trong đó, có thể nhận thấy, bảo tàng lập ra nhưng số lượng hiện vật được trưng bày còn kém phong phú, đó là chưa kể đến việc thiếu hụt đội ngũ cán bộ có chuyên môn tiếp đón, phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó, do chưa có sự liên kết với những hãng lữ hành để quảng bá, giới thiệu với khách du lịch, nên hệ thống các bảo tàng tư nhân hoạt động thiếu hiệu quả, chưa thực sự nổi bật lên như một địa điểm văn hóa để thu hút du khách. Nhận xét về vấn đề này, bà Phan Thị Ngọc Mỹ thừa nhận, thành lập bảo tàng mới chỉ là bước đầu, nhưng để bảo tàng đó tồn tại và duy trì được mới thực sự khó khăn, nhất là khi các bảo tàng tư nhân vẫn ở trong tình trạng “làm đến đâu, hay đến đấy”, chưa có sự hỗ trợ cũng như định hướng từ chính quyền địa phương. 

“Trong tương lai, số lượng bảo tàng tư nhân ở Việt Nam sẽ dần chiếm số lượng lớn hơn so với bảo tàng công lập”, PGS. TS Đặng Văn Bài nhận định. Đó không chỉ là xu thế phát triển trên thế giới, mà còn là điều kiện tốt hơn để công chúng tiếp cận với giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Để có được điều này cần đến sự phối hợp hơn nữa giữa Nhà nước với các bảo tàng tư nhân. PGS. TS Đặng Văn Bài đề xuất phương án nên kết hợp đưa những sự kiện văn hóa lớn đến với bảo tàng tư nhân, đồng thời tổ chức những cuộc vận động hiến tặng cổ vật để huy động nguồn lực từ cộng đồng. Cùng với đó, có thể xem xét việc tập hợp những người sưu tầm tư nhân để thành lập bảo tàng, tổ chức trưng bày luân phiên theo chuyên đề. Với những hướng đi như vậy, chúng ta sẽ có thêm những bộ sưu tập có giá trị, đồng thời phổ biến hơn đến công chúng một loại hình văn hóa – du lịch rất có tiềm năng này.