Phạt nặng để giữ kỷ cương

(ANTĐ) - Hôm qua, 10-3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến vào các nội dung chính của dự án Luật Thủ đô. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi dự luật này sẽ tác động rất lớn tới đời sống xã hội của Thủ đô trong nhiều năm tới.

Dự án Luật Thủ đô:

Phạt nặng để giữ kỷ cương

(ANTĐ) - Hôm qua, 10-3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến vào các nội dung chính của dự án Luật Thủ đô. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi dự luật này sẽ tác động rất lớn tới đời sống xã hội của Thủ đô trong nhiều năm tới.

Tăng mức phạt hành chính là cần thiết để giữ vững kỷ cương đô thị
Tăng mức phạt hành chính là cần thiết để giữ vững kỷ cương đô thị

Đề xuất xử phạt cao gấp 5 lần mức chung

Bản dự thảo Luật Thủ đô mới nhất được công bố sáng qua gồm 4 chương, 33 điều được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cũng như quản lý đô thị, môi trường... mà Hà Nội đang phải đối mặt. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, không chỉ thể hiện ý chí, nguyện vọng của người Hà Nội, dự luật phải đi được vào cuộc sống và khắc phục được những điểm nghẽn trong quá trình phát triển của thành phố. Muốn đạt được yêu cầu này, dự luật phải có được những quy định mang tính đặc thù của Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị:

Hà Nội muốn giữ những cơ chế đặc thù

“Các quy định về cư trú, môi trường, quy hoạch, ưu tiên tài chính, tăng mức xử phạt hành chính là những vấn đề rất đặc thù mà Hà Nội cần cố gắng bảo lưu quan điểm. Ở Moscow, Thủ đô của Liên bang Nga, người trốn vé xe buýt sẽ bị phạt gấp 100 lần số tiền để mua chiếc vé đó. Chính vì phạt nặng như thế nên hàng triệu người mới có 1 người vi phạm.

Nếu cứ phạt nhẹ, chắc chắn vi phạm sẽ tràn lan. Phải hiểu mục đích phạt nặng ở đây là để làm giảm hành vi vi phạm, giữ được kỷ cương xã hội chứ không thể hiểu theo nghĩa tăng phạt là “đánh” vào nhân dân. Không thể đồng nhất người vi phạm với nhân dân. Họ có thể là bất cứ ai, cán bộ, công chức... nếu vi phạm đều phải bị phạt. Người dân cũng muốn chính quyền xử lý nghiêm chứ không ai muốn vi phạm diễn ra khắp nơi”.

Chẳng hạn, để chống ùn tắc, ô nhiễm, mức thu phí tại khu vực nội thành trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, trật tự xã hội, môi trường... sẽ phải cao hơn nhiều so với quy định hiện hành. Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, giao thông, an toàn thực phẩm... cũng được đề xuất cao hơn 5 lần so với quy định hiện nay. Cùng với đó là các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân và xây dựng mới khu văn phòng, nhà ở cao tầng trong nội thành. Đặc biệt, các điều kiện nhập cư vào nội thành cũng được đề cập...

Ban soạn thảo khẳng định, để đảm bảo tính khả thi, tinh thần chung là phải “đảm bảo hài hòa tối đa có thể”, không biến Hà Nội thành “vương quốc” riêng nhưng cần làm nổi bật những nét đặc thù của Thủ đô. Dự luật phải xử lý được những vấn đề bức xúc hiện hữu của thành phố, mặt khác, cũng phải đặt được nền móng lâu dài, bền vững cho phát triển Thủ đô.

Phải sớm đi vào cuộc sống

Thống nhất cao với việc phải xây dựng Luật Thủ đô để đảm bảo yêu cầu phát triển của Hà Nội mở rộng, song nhiều ý kiến cho rằng, dự luật vẫn còn nhiều điểm chung chung, cần được làm rõ. Bên cạnh đó, nội dung dự luật còn chưa “phủ sóng” hết được những vấn đề bức xúc ở Hà Nội hiện nay như y tế, môi trường, quản lý đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn... Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh tới việc Hà Nội phải bảo lưu quan điểm tăng mức xử phạt hành chính trong nhiều lĩnh vực để hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, chế tài dứt khoát phải nghiêm khắc hơn. Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Quang Nhuệ đồng quan điểm: “Ở Hà Nội, phạt hành chính cao hơn 5 lần cũng không có gì là quá”. Tuy vậy, theo ông Lê Quang Nhuệ, tăng mức phạt hay siết chặt điều kiện nhập cư là một chuyện nhưng cùng với đó phải có sự điều tiết bằng chính sách kinh tế - xã hội để giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm một cách tự nhiên.

Quan tâm tới hiệu quả thực tế sau này của dự luật, nhiều ý kiến nhấn mạnh, phải tránh “vết xe đổ” trước đây của Pháp lệnh Thủ đô. Ông Nguyễn Vĩnh Oánh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam băn khoăn: “Sau khi được thông qua, Luật Thủ đô sẽ phải có bao nhiêu thông tư, nghị định để thực hiện? Ban soạn thảo phải có sự chuẩn bị đón đầu cho vấn đề này để đảm bảo luật sớm đi vào cuộc sống. Thực tế Pháp lệnh Thủ đô trước đây sau 5 năm ra đời mới có được văn bản hướng dẫn nên hiệu quả rất hạn chế”.

Tổng hợp các ý kiến thảo luận, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu, các điều khoản phải làm rõ hơn đặc thù của Hà Nội để nâng cao hiệu quả thực thi sau này. Ông nhấn mạnh, để tạo được đột phá trong quản lý, dự luật phải phản ánh được tư duy mạnh dạn hơn nữa trong phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cho Hà Nội. Bí thư Thành ủy cũng đặt yêu cầu về chất lượng của dự luật lên cao nhất và tỏ rõ quan điểm Hà Nội sẽ tiếp thu những phản biện có tính xây dựng song cũng sẽ bảo vệ những việc thành phố cho là đúng. Bí thư Thành ủy nói: “Trong kỳ họp Quốc hội tới, nếu dự luật được thảo luận và thông qua với chất lượng cao là tốt nhất. Song nếu chất lượng còn chuyện này, chuyện kia thì Quốc hội chỉ thảo luận lần đầu cũng không sao”.

Theo kế hoạch, dự án Luật Thủ đô sẽ được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp giữa năm 2010. Với nội dung được yêu cầu phải “sâu sắc, toàn diện”, Ban soạn thảo đang lên kế hoạch trình Chính phủ dự án luật này ngay trong tháng 3-2010.

Chính Trung