Phát hiện hàng nghìn trường hợp trục lợi chính sách người có công

ANTD.VN - Trong 5 năm, qua thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã kiểm tra trên 75.000 hồ sơ phát hiện trên 9.300 hồ sơ có sai phạm hoặc nghi vấn sai phạm cần phải xác minh hoặc trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự...

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng cho gần 1,4 triệu người.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, trên thực tế xuất hiện những vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của xã hội nói chung và người có công với cách mạng nói riêng.

Cụ thể, một số khái niệm, thuật ngữ và tiêu chí như: người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ hoặc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh,... chưa được giải thích, làm rõ.

Một số chế độ ưu đãi đang thực hiện đối với người có công với cách mạng chưa thật sự đảm bảo hài hoà giữa các đối tượng như: chưa có chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống (trong khi thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên đã được hưởng ưu đãi).

Việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng đang tồn đọng ở các địa phương trong một thời gian khá lâu, với khối lượng khá lớn, là một nhiệm vụ rất nặng nề, phức tạp đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện lịch sử của từng thời kỳ cách mạng và cần khẩn trương đẩy mạnh; tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn có những ý kiến phân vân về cơ sở pháp lý để triển khai nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, một số tác động tiêu cực trong quá trình triển khai chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công chưa được thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời như man khai hồ sơ, trục lợi chính sách, người hưởng chính sách như thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Đề cập đến hiện tượng trục lợi chính sách, Bộ LĐ-TB&XH cho biết hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại các địa phương, đồng thời chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật ưu đãi người có công trên địa bàn.

Trong 5 năm, qua thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã kiểm tra trên 75.000 hồ sơ phát hiện trên 9.300 hồ sơ có sai phạm hoặc nghi vấn sai phạm cần phải xác minh hoặc trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự, kiến nghị đình chỉ trợ cấp trên 1.000 đối tượng, số tiền phải thu hồi trên 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thi hành kết luận thanh tra tại các địa phương gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc thu hồi số tiền trợ cấp đã hưởng sai đối với các đối tượng bị đình chỉ, cắt trợ cấp do đa phần đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng nay đã chết hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo… không có khả năng hoàn trả hoặc thu hồi số tiền đã hưởng sai của ngân sách Nhà nước.