Phát hiện 3 giếng cổ ở Đan Phượng

ANTĐ - Tuy vẫn tồn tại ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội từ mấy trăm năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên 3 giếng cổ ở Đan Phượng mới được các nhà khảo cổ đặt vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện nhất từ thời điểm ra đời, đến kỹ thuật xây dựng. Qua đó xác định đây là những giếng có chất liệu và kĩ thuật xây khá đặc biệt tại vùng châu thổ Bắc bộ. 

Giếng Đông Khê
Phát hiện 3 giếng cổ ở Đan Phượng ảnh 1

Nằm giữa thôn Đông Khê, cổ giếng làm bằng đá xanh nguyên khối được khoét đục khá cầu kì có chân kiểu chậu úp. Cổ giếng cao toàn bộ 78cm, phần thành giếng cao 40cm, chân cao 38cm, trong đó phần lộ trên mặt đất 8cm, rộng 16cm. Độ dày của phần trên cổ giếng (thành giếng ) 18cm, phần chân dày 34cm. Sát chân cổ giếng có 2 lượt đá xanh xây làm thềm giếng hình tròn, rộng 71cm. Giếng có hình tròn với đường kính ngoài 124cm, đường kính trong 88cm. Dưới phần cổ giếng những thanh đá có mặt cắt hình chữ nhật, được chế tác hơi cong để tạo hình tròn của giếng xếp so le nhau xuống đáy giếng. Các thanh đá này dài ngắn không đều nhau nhưng có độ dày đồng nhất 18cm. Những thanh đá này tạo thành lòng giếng vững chắc và có tác dụng như một bộ lọc nước. Mặt trong, trên miệng cổ giếng, người xưa đã đục những rãnh nhỏ liền nhau, song song chạy dọc xuống, có mặt cắt hình chữ V, dài trung bình 35cm (khoảng cách giữa các rãnh trung bình 3,5 đến 4cm). Đây là kĩ thuật làm cho cổ giếng bền vững không bị nứt vỡ trong điều kiện thời tiết thay đổi (mưa nắng, chênh lệch nhiệt độ…) gây ra hiện tượng co ngót hay giãn nở của vật liệu đá. Độ sâu nước hiện tại 480cm, từ mặt nước lên miệng cổ giếng 120cm. Hiện tại nước giếng rất trong, chất lượng nước tốt. Theo ông Tạ Tất Liễu - một người dân trong làng, giếng này có từ bao giờ không ai biết, các bậc cao niên cũng không biết. 15 năm về trước, cả thôn Đông Khê dùng nước của giếng này. Ý thức được đây là một di tích văn hoá của địa phương, năm 2010, nhân dân đã nạo vét, khơi lại giếng và làm khuôn viên quanh giếng để gìn giữ. 

Giếng Đoài Khê

Phát hiện 3 giếng cổ ở Đan Phượng ảnh 2

Nằm ở phía Tây của xã, cách giếng Đông Khê chừng 10 phút đi bộ, về hình thức khá giống giếng Đông Khê song giếng Đoài Khê được làm bằng chất liệu đá ong. Toàn bộ cổ giếng kể cả phần chân nhô ra cũng được làm từ một khối đá ong liền.  Cổ giếng cao toàn bộ 40cm, phần thành giếng cao 40cm, dày 19cm. Thềm giếng hình tròn, lát bằng loại gạch thẻ có độ cứng cao (loại gạch thời Nguyễn đầu thế kỷ 20). Giếng có hình tròn với đường kính ngoài 130cm, đường kính trong 90cm. Trong lòng giếng, ngay dưới phần cổ giếng có một lượt gạch thẻ xếp lóng dọc, tiếp xuống  là  một lượt gạch thẻ xếp lóng ngang. Hai lượt gạch thẻ này chính là kết quả của một đợt trùng tu, nâng cổ giếng lên, đồng thời lát thềm giếng xung quanh. Căn cứ vào loại gạch có thể suy đoán đợt trùng tu này được thực hiện vào đầu thế kỉ 20. Dưới các lớp gạch thẻ là những viên đá ong xếp so le liền khít nhau xuống tận đáy giếng. Những viên đá ong này là vật liệu đồng nhất với cổ giếng, có từ khi xây giếng, nó tạo thành lòng giếng vững chắc và có tác dụng như một bộ lọc nước. Cũng như giếng Đông Khê, để tránh hiện tượng nứt vỡ cổ giếng, ở mặt trong trên miệng cổ giếng, người ta đã đục những rãnh nhỏ liền nhau. Độ sâu nước hiện tại 350cm, từ mặt nước lên miệng cổ giếng 90cm. Chất lượng nước giếng này rất tốt, thời kì trước đây khi chưa có kĩ thuật khoan giếng và chưa có hệ thống nước sạch đô thị, toàn bộ dân của thôn Đoài Khê đều dùng  giếng này. Giếng chưa bao giờ cạn ngay cả thời kì khô hạn nhất. Hiện chúng tôi vẫn thấy hai ống dẫn nước nối với máy bơm của vài hộ dân xung quanh sử dụng nước giếng.

Giếng đình Đại Phùng 

Giếng hiện nằm ngay bên đầu hồi phải của đình Đại Phùng. Ngôi đình này có niên đại đầu thế kỷ 18, được trùng tu, xây lại năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Mặc dù về chất liệu giống với giếng Đoài Khê, song cổ giếng Đại Phùng không làm phần chân đế mà được vạt thẳng xuống. Toàn bộ cổ giếng nằm lộ hoàn toàn trên mặt đất, cao 55cm, dày 13,5cm. Giếng hình tròn, đường kính ngoài 130cm, đường kính trong 83cm. Dưới cổ giếng có một phần xây gạch trát xi măng cao 70cm, đây là độ cao tôn cổ giếng lên năm 2010. Dưới phần xi măng là những viên đá ong xây lòng giếng ban đầu, suốt xuống đáy. Độ sâu nước 450cm, từ mặt nước lên thành giếng 130cm. Cũng như giếng Đông và Đoài Khê, ở mặt trong trên miệng cổ giếng, người xưa đã đục những rãnh nhỏ liền nhau  để tránh việc nứt vỡ cổ giếng. Nước giếng vẫn rất trong và tốt. Ban quản lí đình vẫn dùng máy bơm nước lên phục vụ cho việc dọn rửa sân đình và công trình vệ sinh. 

Cần bảo tồn gấp

Đây là những giếng có chất liệu và kĩ thuật xây khá đặc biệt tại vùng châu thổ Bắc bộ. Kiểu cổ giếng làm từ đá nguyên khối bằng chất liệu đá xanh từng thấy ở Hà Nội (vùng Nhổn, trong Nhà thờ Lớn, chùa Bối Khê ) hay ở Bắc Ninh… Còn cổ giếng bằng đá ong nguyên khối thì hiếm gặp hơn. Kĩ thuật đục cổ giếng, đặc biệt là xẻ rãnh chống nứt vỡ là một kĩ thuật cao nhằm tạo sự bền vững cho giếng. Kĩ thuật xếp đá suốt lòng giếng cũng được thực hiện với trình độ cao. Chúng tôi đã có những khảo sát về vùng đất này và thấy có nhiều ảnh hưởng của nền văn hoá Chăm, nhất là việc đào giếng lấy nước sạch (người Chăm có trình độ làm giếng xếp gạch hoặc đá rất giỏi, có lẽ kiến thức của họ về việc tìm mạch nước tốt). Nếu lấy niên đại của ngôi đình Đại Phùng (nơi có giếng đình Đại Phùng) làm mốc thì ít nhất các giếng cổ trên cũng có từ thế kỷ 18. Vật liệu đá xanh và đá ong vốn không có ở địa phương này. Có lẽ người xưa đã vận chuyển đá bằng đường thủy với sông Đáy từ vùng Thạch Thất về để làm giếng. Hiện tại, việc bảo vệ các giếng cổ này được địa phương thực hiện rất tốt. Tuy nhiên do tốc độ đô thị hoá quá nhanh, cảnh quan của di tích cũng đã bị thay đổi nhiều, nguy cơ di tích bị xâm hại là đáng kể, nếu không tích cực tuyên truyền về giá trị của di tích thì trong tương lai không xa các giếng này sẽ chung số phận như những giếng cổ khác ở Sấu Giá, Dương Liễu, Nhổn, Kim Bảng…