Pháo nổ thì cấm, pháo giấy thì không?

(ANTĐ) - Lâu nay cứ đến mùa cưới là ngành điện lại canh cánh nỗi lo cháy, chập điện do sử dụng pháo giấy bắn lên đường dây. Bây giờ thì nỗi lo ấy càng trở nên thường trực vì thiên hạ cưới quanh năm. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, hàng năm đều xảy ra hàng chục vụ sử dụng pháo giấy trong đám cưới, do bất cẩn đã gây chập điện, cháy nổ đường dây, nổ cầu chì trạm biến áp và làm mất điện kéo dài trên diện rộng.

Pháo nổ thì cấm, pháo giấy thì không?

(ANTĐ) - Lâu nay cứ đến mùa cưới là ngành điện lại canh cánh nỗi lo cháy, chập điện do sử dụng pháo giấy bắn lên đường dây. Bây giờ thì nỗi lo ấy càng trở nên thường trực vì thiên hạ cưới quanh năm. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, hàng năm đều xảy ra hàng chục vụ sử dụng pháo giấy trong đám cưới, do bất cẩn đã gây chập điện, cháy nổ đường dây, nổ cầu chì trạm biến áp và làm mất điện kéo dài trên diện rộng.

Không chỉ tại đám cưới, các loại pháo giấy này còn được sử dụng rộng rãi ở hầu khắp các dịp  khởi công, khai trương, khánh thành, tân gia... Không ít lần, những hình ảnh pháo giấy rực rỡ tại các kỳ cuộc được “lên” truyền hình và báo chí, với sự tham dự của các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương. Điều này mặc nhiên mang lại nhận thức: Việc sử dụng pháo giấy là công khai, hợp pháp.

Nhưng đối với các lực lượng chức năng như hải quan, công an, quản lý thị trường, pháo giấy lại thuộc danh mục hàng cấm như tất cả các loại pháo khác, và không có bất cứ ngoại lệ nào. Các quầy hàng ngay tại khu vực cửa khẩu biên giới cũng hiếm khi dám bày công khai mặt hàng này.

Ngày 4-1 vừa qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ 2 ôtô khách mang BKS Bắc Giang chở 2.950 cây pháo giấy lậu. Đồn Công an Tân Thanh (Lạng Sơn) cũng không ít lần tịch thu pháo giấy do du khách mua về. Tuy nhiên, Trung tá Đoàn Minh Hà - Đồn trưởng Đồn Công an Tân Thanh cho biết, nhiều người bị tịch thu đã phản ứng rất gay gắt với lý do rằng việc sử dụng pháo giấy đã được công khai hóa như hiện nay thì tại sao lại cấm mua?

Chỉ thị số 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-8-1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã nêu rõ, “nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam”.

Công điện mới nhất về việc này do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13-11-2007 cũng yêu cầu: “Tập trung vào các địa bàn trọng điểm là khu vực biên giới, hải cảng, bờ biển, ngăn chặn không để các phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ chuyển lậu các loại pháo từ nước ngoài vào nước ta”. Đây là những căn cứ pháp lý rõ ràng nhất để xác định rằng, pháo giấy đương nhiên nằm trong danh mục mặt hàng cấm.

Như vậy, cần phải khẳng định rằng, việc sử dụng pháo giấy một cách công khai tại các kỳ cuộc lễ hội như hiện nay ít nhất cũng là hành vi không phù hợp, nếu chưa nói là vi phạm quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trước hết, các cơ quan, công sở cần gương mẫu không sử dụng loại pháo giấy này trong mọi hoạt động của mình. Chính quyền địa phương cũng cần thông báo, yêu cầu không sử dụng loại pháo này trong các đám cưới, lễ hội... Không thể để tình trạng chỉ chặn “đầu vào” nhưng lại bỏ ngỏ “đầu ra” cho  pháo giấy như hiện nay.

Minh Hoàng