Phân cấp chớ phân tán
(ANTĐ) - Thủ đô Hà Nội, TP.HCM được “chọn mặt” thí điểm bỏ HĐND cấp huyện, bởi vì thực chất đây chỉ là cấp trung gian, vừa cồng kềnh, chồng chéo và vô hình trung làm “vướng chân” trong công tác quản lý, điều hành.
Đây có thể coi là một bước đột phá trong chương trình phân cấp của Chính phủ cho các địa phương. Thực hiện thành công hay không tùy thuộc vào việc phân cấp chứ không “phân tán” quyền lực của chính quyền Trung ương trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định chắc chắn: “Phân cấp, phân quyền là hoàn toàn đúng. Song để nâng cao hiệu quả của chương trình thì trước hết phải tăng cường năng lực cho cấp địa phương”.
Phân cấp, phân quyền, về bản chất, khác hẳn với việc phân tán quyền lực, nhất là phân tán… trách nhiệm. Một vụ án đã xảy ra cách đây mấy năm nhưng hậu quả của nó vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. Đó là một số lãnh đạo chủ chốt của huyện đảo Phú Quốc đã “ăn đất”, chia chác đất đai thuộc quyền quản lý một cách vô tội vạ và trục lợi lớn.
Khi đó Phú Quốc nằm trong đề án xây dựng thành một trung tâm kinh tế lớn. Rộng hơn cả Singapore, vị trí chiến lược không thua kém, Phú Quốc được kỳ vọng phát triển thành một cảng trung chuyển lớn, một trung tâm tài chính và du lịch quốc tế.
Đề án vẫn còn nằm trên giấy vậy mà chính quyền địa phương đã “âm thầm” cắt đất, chia phần, “băm nát” đảo Ngọc thành từng mảnh. “Giấc mơ” Phú Quốc giàu lên như quốc đảo Singapore đã tan vỡ do cấp chính quyền địa phương quản lý theo kiểu “chúa đảo” chia chác đất đai, phân tán tài nguyên quốc gia như “lãnh địa” của mình.
Vụ việc này cho thấy nhiều vấn đề bất hợp lý trong sự phối hợp giữa Trung ương và chính quyền địa phương. Gần đây nhất là khi nền kinh tế phải đối mặt với lạm phát và nhập siêu. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã yêu cầu một số tỉnh, thành đình hoãn một số dự án vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Thế nhưng “phép vua thua lệ làng”, chính quyền địa phương vẫn đưa ra đủ mọi lý lẽ và bám chặt cái quyền được phân cấp của mình. Giữa phân cấp và phân tán có một lằn ranh rất mỏng, chỉ cần khẽ đẩy một chút là bước sang chủ nghĩa cát cứ địa phương.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân nhận định việc phân cấp đang phơi bày những mặt trái bất lợi. Hiện có tới 20% số dự án do địa phương quản lý phải thay đổi và điều chỉnh về nhiều mặt. Sau khi họ được trao quyền, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với trước lúc được phân cấp.
Một Tiến sĩ thuộc Viện Kinh tế Việt Nam đã đi đến nhiều tỉnh, thành cùng với đoàn tư vấn cấp cao của Chính phủ, nhận định: “Các địa phương hầu như không phối hợp với nhau. Khái niệm liên kết vùng dường như hoàn toàn nằm trên giấy, nó không có ý nghĩa gì xét trên hiệu quả thị trường. Chủ nghĩa cát cứ chứng tỏ năng lực quản trị thấp và sự kết nối thị trường kém, như vậy không có cách gì nâng cao hiệu quả đầu tư”.
Hoàn toàn có đủ chứng và lý khi một số chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, nhiều quy hoạch tổng thể không tốt, trong khi đã phân cấp rất nhanh, rất mạnh. Xung đột giữa quy hoạch tổng thể và phân cấp khi năng lực chưa đủ làm phát sinh dàn trải, phân tán.
Không có lý gì đặt lại vấn đề về chủ trương phân cấp, nhất là khi phân cấp, phân quyền đang được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế thị trường mà nước ta đeo đuổi. Song, cái khó nhất là làm sao để việc phân cấp không “biến tướng” thành phân tán.
Đan Thanh