Lấn chiếm vỉa hè ven hồ
Phải xử lý “mạnh tay”
(ANTĐ) - Mặt nước hồ Tây có được thông thoáng nhờ sự kiên quyết của chính quyền thành phố khi di dời một số nhà nổi, du thuyền… thì gần đây, lại bị một chợ cóc “bịt mặt”. Đây là một ví dụ điển hình cho thực trạng chiếm dụng vỉa hè ven hồ, biến vỉa hè thành đất riêng, đã trở thành một căn “bệnh” khó chữa trên địa bàn Thủ đô.
Một góc “Đại siêu thị” bên hồ Tây |
“Đại siêu thị” ven hồ
Gọi khu vực chợ cóc họp vào mỗi buổi sớm, trên vỉa hè đường Thanh Niên là “đại siêu thị” thật không sai, khi ở đây, mỗi ngày có không dưới 100 “quầy” hàng đủ chủng loại bày bán. Trên đoạn vỉa hè dài 200mét, giáp hồ Tây, khu chợ cóc “nhảy dù” đều đặn họp từ 4h30 sáng đến 6h hàng ngày. Tại đây, mọi người dễ dàng tìm mua thực phẩm tươi sống như: cá, gà, thịt, rau quả… đến các mặt hàng thời trang như quần áo, giầy dép. Các “quầy” hàng ăn nhanh như trứng vịt lộn, bánh mỳ… xuất hiện nhan nhản. Người mua, kẻ bán tấp nập lên đến cả trăm người; xe cộ, hàng hóa để chật kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường.
Không chỉ lộn xộn, nhếch nhác, ầm ĩ… khu chợ này còn sản sinh ra đủ thứ mùi nồng nặc của những chậu cá, chậu lươn, của các loại thịt, lan tỏa theo gió hồ Tây, khiến không gian trong lành nơi đây bị ô nhiễm nặng. Không riêng đoạn đường Thanh Niên, nhiều đoạn vỉa hè khác quanh hồ Tây cũng bị các hộ dân sống ven hồ, người dân ở một số nơi ngang nhiên lấn chiếm làm địa điểm kinh doanh. Vỉa hè bị lấn chiếm nhiều nhất ở 2 phường Thụy Khuê và Bưởi, thuộc quận Tây Hồ. Tại đây, hàng chục hàng quán ăn uống bất kể ngày đêm bày bàn ghế la liệt 2 bên vỉa hè ven hồ như đất riêng nhà mình. Ngay cả một số vườn hoa, thảm cỏ ven hồ cũng bị họ chiếm dụng làm nơi buôn bán. Thực trạng trên đang “ép” nhiều người đi dạo quanh hồ Tây phải đi chung làn đường với các phương tiện tham gia giao thông.
Tại các tuyến phố ven hồ Trúc Bạch, Ngọc Khánh, Thiền Quang… tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh cũng diễn ra phổ biến không kém. Cá biệt, tại 2 tuyến phố quanh hồ Trúc Bạch là: Trấn Vũ và Trúc Bạch, các hàng quán ăn uống, giải khát lấn chiếm tự do, đặc biệt vào các buổi tối. Những cảnh tượng nhếch nhác như trải chiếu xuống vỉa hè để ăn nhậu, xả rác bừa bãi xuống hồ… diễn ra công khai.
Chợ đông, xe bán hoa bán luôn hàng dưới đường Thanh Niên |
Cần xử lý dứt điểm
Thống kê chưa đầy đủ, dọc tuyến đường dạo quanh hồ Tây có khoảng trên 30 hàng quán ăn có giấy phép đăng ký kinh doanh, chủ yếu ở địa bàn 2 phường Thụy Khuê và phường Bưởi, số còn lại là các hàng quán nhỏ lẻ, không phép. Nhiều năm qua, công tác kiểm tra, giải quyết ANTT tại các khu vực này đã được lực lượng công an cơ sở duy trì triển khai, song, kết quả không được như mong muốn. Điển hình như tháng 7 vừa qua, UBND quận Tây Hồ, CAQ Tây Hồ, Thanh tra Giao thông vận tải… đã tổ chức đợt tổng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực hồ. Tuy nhiên, sau đợt kiểm tra, xử lý một thời gian, các vi phạm lại tái diễn.
Một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết trật tự đô thị ở các tuyến phố ven hồ chưa đem lại kết quả như mong muốn, là do công tác phân công, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thiếu hợp lý. Nhiều nơi, công tác đảm bảo trật tự đô thị đang được khoán “trắng” cho lực lượng công an. Trong khi, muốn xóa bỏ cảnh nhếch nhác, lộn xộn này, rất cần những biện pháp “mạnh tay” từ phía chính quyền cơ sở, Thanh gia Giao thông.
Thu Hạnh