Phải xử lý mạnh các “hung thần” phá đê

ANTĐ - Mặc dù, lực lượng chức năng Hà Nội nhiều lần ra quân xử lý xe tải hạng nặng chuyên chở vật liệu xây dựng (VLXD) quá tải lưu thông trên các tuyến đê dọc sông Hồng, sông Đuống… nhằm hạn chế tình trạng hư hỏng đê. Tuy nhiên, do chế tài chưa đủ mạnh kèm theo việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng về việc kinh doanh bến bãi VLXD khiến cho hoạt động xe quá tải lưu thông trên đê vẫn đang là vấn đề nan giải…  

Phải xử lý mạnh các “hung thần” phá đê ảnh 1Lực lượng chức năng Hà Nội sẽ xử lý mạnh tay hơn đối với những xe tải chở VLXD quá tải 
 được xem là “tác giả” gây nát đường, tan đê

Không tải cũng "cày" nát đường, tan đê 

Những chiếc xe tải hạng nặng chở VLXD lưu thông trên các tuyến đê dọc sông Hồng, sông Đuống… trên địa bàn Hà Nội gây ảnh hưởng lớn về môi trường, giao thông và là nỗi khiếp đảm của người tham gia giao thông. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội, trên toàn địa bàn thành phố có 51 bến và 211 bãi tập kết, trung chuyển VLXD (chủ yếu là cát, sỏi). Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định mới chỉ có hơn 40 bãi có giấy phép kinh doanh và nếu để đủ theo quy định thì số doanh nghiệp này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Chỉ tính riêng đoạn đê thuộc xã Đông Ngạc, Thụy Phương… đến chân cầu Thăng Long, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe “khủng” chở VLXD từ các bãi cát, sỏi ở bờ sông đến các công trình. Xe chạy liên tục, ngày nắng mù đường, ngày mưa đất cát vương vãi. Chúng tôi phải chật vật quét dọn, giữ gìn VSMT. Anh nhìn đấy, cứ như chiếc xe tải hàng chục tấn kia ù ù lao tới, cát bay tứ tung thử hỏi chịu sao nổi?” - chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân VSMT ở quận Bắc Từ Liêm nói.

Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ, chỉ cần ngồi hơn một tiếng buổi trưa tại các khu vực chân đê thuộc bất kỳ địa bàn nào như phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) hay phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), đếm sơ qua cũng được hàng chục lượt xe tải hạng nặng, xe nào cũng đầy ắp cát chạy qua tung bụi mù. Những chiếc xe này cũng chính là “tác giả” tạo ra ổ voi, sống trâu trên nhiều đoạn đê mà bấy lâu nay các nhà quản lý đã phải chi một khoản lớn để sửa chữa. Bên cạnh đó, những xe này có trọng tải lớn, còi to phóng với tốc độ cao khi lưu thông trở thành cơn ác mộng của người cùng tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1968, ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, ông  thường ngày đi làm trên con đường đê này, thường xuyên phải hứng chịu những đợt “mưa cát” mỗi khi có xe chở cát từ trong các bãi trung chuyển, tập kết VLXD đi ra. Nguy hiểm hơn là tiếng còi xe, nhiều lần dù đã chủ động khi thấy xe chở VLXD lao tới, nhưng nghe tiếng còi bất ngờ khiến ông loạng choạng tay lái, thậm chí hốt hoảng phanh gấp, rất nguy hiểm.

Tại buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức cuối tháng 3-2015, ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Hà Nội cho biết, tình trạng vi phạm về đê điều hiện đang là vấn đề nhức nhối. Đặc biệt, những xe tải kể cả không tải đi trên đê cũng đã “cày” nát đê, còn nếu chất vài tấn cát để chạy trên đê thì chính là kẻ hủy diệt đê. Tuy nhiên để xử lý vi phạm là không dễ. 

Tăng cường kiểm soát tải trọng

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hải, trước thực trạng trên, phải tăng chế tài xử lý với các chủ xe này. Thậm chí phải xử lý hình sự với chủ xe “cày” nát đê. Để tránh tình trạng không đủ cán bộ xử lý quá nhiều xe tải vi phạm, đề nghị lực lượng công an phạt “nguội” với các đối tượng này. Chi cục Quản lý đê điều sẵn sàng chụp ảnh, ghi hình những xe vi phạm. Ông Hải đề nghị, trước mắt cần tu bổ các mố ra vào đê để ngăn xe quá tải. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc các xe tải trọng lớn hoạt động trên đê hầu hết là chở VLXD từ các bãi tập kết, trung chuyển nằm ngoài đê sông Hồng, sông Đuống… Những bãi tập kết này hoạt động diễn ra trước sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền. Nhiều nơi để xảy ra tình trạng vi phạm trong việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa, trung chuyển VLXD trái phép kéo dài, một số UBND cấp xã giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông làm bãi chứa, trung chuyển dưới hình thức giao thầu đất để sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những cá nhân, hay hợp tác xã tự đứng ra ký kết cho thuê trái thẩm quyền.

Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường (CATP Hà Nội) cho biết, việc xử lý các đối tượng vi phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Cảnh sát môi trường khi vào kiểm tra nếu phát hiện vi phạm về môi trường thì mới xử lý được, còn đối với những cá nhân, doanh nghiệp thuê bãi không đúng thẩm quyền, hoặc vi phạm pháp luật đê điều thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên trách. Được biết, năm 2014, quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với các đoàn liên ngành ra gần 20 quyết định xử phạt hành chính, buộc chủ các bãi phải có giấy phép. Tuy nhiên, dù đã xử phạt nhưng tình trạng xe quá tải, nơi tập kết vật liệu trái phép vẫn tái diễn. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Đội trưởng Đội TTGT quận Bắc Từ Liêm cho biết, tình trạng xe chạy trên đê không phải xe nào cũng có phép, những xe không được cấp phép qua kiểm tra phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Đội TTGT cũng đã có kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn quận xử lý các trường hợp xe quá khổ, quá tải trọng. Đêm 2-4 vừa qua, Đội TTGT quận đã phối hợp với CAQ Bắc Từ Liêm tiến hành ra quân, kiểm tra và tạm giữ 7 xe tải chở cát làm rơi vãi trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Công tác này cũng sẽ được tăng cường, thường xuyên nhằm hạn chế tình trạng xe quá tải "cày" nát phố, nát đê.