Phải tự thân nỗ lực

ANTĐ - Báo cáo tổng quan về tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp cho thấy, kinh tế có dấu hiệu phục hồi, một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt, giúp cho số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên. Gần hết quý II-2014, cả nước có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 98.000 tỷ đồng, tăng 23% về vốn so với cùng kỳ năm 2013. Song, vẫn còn gần 17.000 doanh nghiệp gặp khó khăn, phục hồi tăng trưởng ở mức thấp. Khó khăn nhất hiện nay là các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vì các ngân hàng thương mại e dè trong việc cấp tín dụng, có nơi còn “bỏ quên” doanh nghiệp mới thành lập.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định, mặc dù mặt bằng lãi suất chung có giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp phải vay lãi suất nợ cũ cao, chưa được giảm nhiều. Trả lời câu hỏi lãi suất có thể giảm tiếp không, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn thực ra là tiền của dân, nếu hạ thấp nữa thì phải đặt câu hỏi: Dân còn gửi tiền vào kênh tiết kiệm nữa hay không? Nếu hạ lãi suất thấp quá dân sẽ chuyển sang đầu tư chứng khoán, ngoại tệ, vàng. Do đó, hạ lãi suất hay không cần phải xem xét đảm bảo cả hai phía, giữ giá đồng nội tệ và để đồng tiền chảy đúng vào nơi cần vốn.

Theo kết quả khảo sát trong Báo cáo chỉ số kinh doanh của Việt Nam vừa được công bố, kinh tế gặp khó khăn khiến cơ hội kinh doanh kém đi và khả năng kinh doanh cũng thấp. Chỉ số lo sợ thất bại trong kinh doanh ở nước ta là 56,7% vì lòng tin vào kinh doanh tụt giảm và sự lo sợ thua lỗ, phá sản đã cản trở người dân, doanh nghiệp không dám mạnh tay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ người có ý định khởi sự làm ăn ở mức thấp 24,1%, kém xa so với mức trung bình của các nước trong khu vực. Số lượng việc làm mới ở giai đoạn kinh doanh phát triển cũng khá thấp. Tỷ lệ không tạo được nhiều việc làm mới lên tới 84,1%, trong khi ở giai đoạn đầu việc làm mới chiếm tới hơn 15%.

Trước những khó khăn, thách thức về môi trường kinh doanh, bản báo cáo chỉ số kinh doanh khuyến nghị cần tạo lập và củng cố lòng tin cho giới kinh doanh cũng như doanh nghiệp. Trong cuộc gặp cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ 4 trách nhiệm chính trong việc “bốc thuốc chữa bệnh” cho doanh nghiệp, trong đó việc thực hiện bình đẳng, công khai minh bạch trong kinh doanh là yếu tố còn nhiều cản trở nhất hiện nay. Thủ tướng nghiêm túc nhìn nhận: “Thủ tục hành chính đang làm trở ngại, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Quyết tâm ở trên là hăng hái cải cách, càng xuống cấp dưới càng giảm quyết tâm”.

Sau hai năm “tụt dốc”, cộng đồng doanh nghiệp được “xốc” lên mạnh mẽ với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành cùng những cam kết tạo điều kiện hết sức để tháo gỡ khó khăn. Đương nhiên Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần, doanh nghiệp phải tự thân nỗ lực.