Đảm bảo TTĐT, TTATGT trên địa bàn TP Hà Nội:

Phải tạo cho người dân ý thức tự giác xây dựng thành phố văn minh

ANTD.VN - Từ ngày 10-3, toàn thành phố Hà Nội đồng loạt ra quân tổng kiểm tra xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT, TTĐT trên địa bàn thành phố.  Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: "Phải kiên trì, kiên quyết và hiệu quả, để người dân phải tự giác, có ý thức xây dựng thành phố văn minh".

Hội nghị quán triệt triển khai kế hoạch về đảm bảo TTATGT, TTĐT của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội sáng 4-3, đã thống nhất nhiều mục tiêu, yêu cầu quan trọng trong công tác xử lý vi phạm. Từ thành phố cho đến quận, huyện, phường xã sau thời gian tuyên truyền sẽ tăng cường ra quân, xử lý các vi phạm theo hình thức “cuốn chiếu”, làm đến đâu gọn đến đó.

Xử lý “cuốn chiếu” tất cả các vi phạm

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Phó trưởng Ban chỉ đạo 197 TP nêu rõ, công tác đảm bảo TTĐT sẽ được cơ quan chức năng tổ chức điều tra cơ bản, xác định các tuyến phố không được trông giữ phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm về TTĐT trên địa bàn trong đó tập trung kiểm tra các khu vực phức tạp về TTĐT gây bức xúc dư luận; các tuyến xuyên trục; các địa bàn giáp ranh; các điểm phức tạp về TTĐT.

Các lực lượng duy trì không để những vi phạm tái diễn, qua đó làm chuyển biến rõ nét về TTĐT và đảm bảo tính ổn định, lâu dài. Đồng chí Phó Giám đốc CATP cũng nêu ra hàng loạt các hành vi, mức xử lý như tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; các bãi trông giữ phương tiện; bến “cóc” xe” dù”; “chợ tạm”, vệ sinh môi trường, buôn bán hàng rong, “cò mồi” đeo bám khách du lịch…., gây mất TTĐT, nhất là các khu vực diễn ra lễ hội, khu vui chơi giải trí, khu vực công cộng…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh Hà Nội triển khai các biện pháp đảm bảo TTĐT theo hướng bền vững, người dân phải tự giác, có ý thức xây dựng Thủ đô văn minh, sạch đẹp

Trên lĩnh vực đảm bảo TTATGT, Đại tá Đào Thanh Hải nhấn mạnh, các lực lượng chức năng cần tập trung kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến xe khách. “Đề xuất 'cắt nốt' đối với các trường hợp vi pham nhiều lần; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở quá số người quy định, vòng vo, dừng đỗ trái phép đón trả khách, thu quá giá quy định” - đồng chí Phó Giám đốc CATP Hà Nội đề xuất.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 197 cũng yêu cầu các đơn vị chức năng siết chặt lại quy định liên quan đến lĩnh vực vận tải hàng hóa như: Chở quá tải, đi vào phố cấm, gây mất vệ sinh môi trường; xe tự chế, xe gióng, xe chở hàng cồng kềnh…

“Các đoàn liên ngành Ban chỉ đạo 197 các quận đồng loạt tổ chức ra quân xử lý vi phạm về TTCC và TTĐT bắt đầu từ ngày 10-3. Tập trung xử lý vi phạm theo hình thức 'cuốn chiếu', làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm. Kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chống đối, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật” - Đại tá Đào Thanh Hải nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu như Phòng CSTT, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND quận Hai Bà Trưng, Sở GTVT… đều thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan đến TTĐT, TTATGT, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Nhiều ý kiến đề xuất, biện pháp triển khai cũng được các đơn vị này đề xuất dựa trên đặc thù từng địa bàn.

Bền bỉ, kiên quyết và hiệu quả

Với tinh thần quyết liệt, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Câu chuyện xử lý vi phạm TTĐT chúng ta đã nói rất nhiều trong thời gian qua. Giờ không bàn nhiều, các đơn vị chức năng bám đúng vào Chỉ thị 14/ CT-TU (ngày 12-12-2012) của Thành ủy để thực hiện, đảm bảo đạt hiệu quả cao và bền vững".

Đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói ngắn gọn trong 4 việc, cụ thể tất cả các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng, trông giữ phương tiện; bán hàng rong; quảng cáo rao vặt.

Đồng chí Chủ tịch UBND TP cũng chỉ rõ, muốn đảm bảo được TTĐT, TTATGT, phải gắn chặt trách nhiệm của lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn thành phố

“Hà Nội phải có cách làm riêng, mang tính bền vững, để người dân tâm phục khẩu phục, không tái lấm chiếm và có ý thức xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch đẹp” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. Muốn làm được điều này, đồng chí Chủ tịch UBND TP yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chức năng phải trực tiếp quan tâm, chỉ đạo và thực hiện.

“Có nhiều địa bàn, nhiều nơi, lãnh đạo không kiên trì, thậm chí không quan tâm đến công tác này. Nếu người đứng đầu là Chủ tịch UBND các phường, xã, hay Trưởng CAQ, huyện, phường quan tâm, thực hiện đúng thì không có lý do gì không làm tốt được” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ và cho biết, đợt này thành phố sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không nương tay với bất kỳ trường hợp nào.

Việc các đơn vị xử lý vi phạm TTĐT, theo Chủ tịch UBND TP là làm không ồn ào, kiên trì và đi đúng 3 bước. Bước một, Chủ tịch UBND các phường, xã phải thành lập các tổ đến từng hộ dân có nhà ở mặt đường để tuyên truyền thuyết phục và có thư ngỏ, tuyên truyền đến các hộ dân này chấp hành nghiêm quy định.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Giám đốc CATP Hà Nội giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí Trưởng CAP, CSTT, CSKV phân công rõ quản lý từng nhà, từng hộ, tuyên truyền, nhắc nhở, tạo sự chuyển biến về nhận thức và đồng thuận, chấp hành nghiêm quy định đảm bảo văn minh TTĐT.

Sau khi tuyên truyền, bước tiếp theo là kiểm tra các hộ dân này xem họ thực hiện như thế nào. Giữa tuyên truyền và kiểm tra cần cho người dân một khoảng thời gian nhất định để họ thực hiện. Bước cuối cùng mới cưỡng chế và xử phạt nghiêm đối với tất cả các vi phạm này. “Làm được điều đó thì người dân mới tâm phục khẩu phục” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm TTĐT, TTATGT của Ban chỉ đạo 197 TP từ ngày 10-3

Chỉ ra 14 loại hình vi phạm phổ biến về TTĐT trên địa bàn thành phố hiện nay, cũng như gắn trách nhiệm của từng vị trí Bí thư, Chủ tịch UBND các phường, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Không vì mấy hộ kinh doanh vi phạm, vì mấy người bán hàng rong mà để Thủ đô nhếch nhác, ảnh hưởng đến văn minh TTĐT. Bởi mất đi văn hóa của một thành phố văn minh là mất mát không gì đo đếm được”.

Năm nay là năm kỷ cương, hành chính, nếu kiểm tra đến lần thứ 3 mà vẫn không làm được thì phải xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các phường. Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng nêu rõ, hỗ trợ cho các lực lượng trong công tác đảm bảo TTĐT cần sự vào cuộc của Quản lý thị trường.

“Nếu cơ sở kinh doanh vi phạm đến lần thứ 3 thì yêu cầu thu giữ giấy phép kinh doanh, bất kể hàng hóa đó là hàng gì. Khi nào họ cam đoan khắc phục, không tái phạm thì mới cấp phép cho hoạt động. Chỉ khi nào người dân tự giác chấp hành thì lúc đó kết quả mới bền vững được” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đánh giá.

Triển khai thu phí trông giữ xe theo giờ

Liên quan đến việc xử lý vi phạm về TTĐT, TTATGT, Chủ tịch UBND TP cũng giao cho Sở GTVT phối hợp cùng với CATP kiểm tra, xử lý nghiêm đối với tất cả các điểm trông giữ phương tiện. Lực lượng CSKT thành lập các tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra nguồn gốc đất đai, nếu các chủ bến bãi vi phạm kiên quyết giữ xe hết công suất.

Đồng chí Chủ tịch UBND TP cũng giao cho Sở GTVT thí điểm xây dựng các bãi trông giữ xe bằng hệ thống thiết bị thông minh trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Hai Bà Trưng. Sở GTVT tổ chức kiểm tra, khảo sát công bố công khai những điểm trông giữ phương tiện; thu lại tất cả các điểm trông giữ xe hiện nay, kể cả của các cơ quan Nhà nước ở ngoài đường để đảm bảo công bằng. Các phương tiện trông giữ được thu phí theo giờ, chấm dứt việc nhiều công ty, điểm trông giữ hiện nay thu quá giá quy định, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Đồng chí Chủ tịch UBND TP giao cho Sở Xây dựng thành lập các tổ kiểm tra những công trình xây dựng sai phép, vi phạm TTĐT, tiến hành tháo dỡ; yêu cầu các công ty, doanh nghiệp san lấp công khai những điểm đổ phế thải để theo dõi, quản lý. Các công ty vệ sinh môi trường phải có thùng rác đặt ở các tuyến phố để người dân đổ rác vào trong, đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Đơn vị nào không thực hiện yêu cầu rút giấy phép, xử lý nghiêm.

Đại tá Nguyễn Xuân Đình, Trưởng Phòng CSTT - CATP Hà Nội kiến nghị những giải pháp xử lý vi phạm TTĐT, trông giữ xe trái phép trên địa bàn TP

Đối với vi phạm quảng cáo, rao vặt, Chủ tịch UBND TP yêu cầu CATP Hà Nội giao cho lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT), Cảnh sát kinh tế (CSKT) tổ chức các tổ tuần tra kiểm soát vào ban đêm, xử lý nghiêm vi phạm. Đối với những vi phạm này, các đơn vị chức năng phải thu hồi và cắt vĩnh viễn số điện thoại, xem xét lại đăng ký kinh doanh.

Để giải quyết những vi phạm về xe ba bánh giả danh xe thương binh, Chủ tịch UBND TP giao Sở LĐTB & XH thống kê lại số lượng thương binh sử dụng loại xe này trên địa bàn thành phố để từ đó có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; xử lý nghiêm đối với các đối tượng giả danh thương binh sử dụng loại xe này; giao Sở Du lịch, CATP, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, khống chế số lượng xe xích lô chỉ còn 50 phương tiện trên địa bàn TP; xử lý nghiêm các đối tượng bán hàng đeo bám khách du lịch.

Nhằm giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân trên các tuyến phố, Chủ tịch UBND TP cũng giao cho Chủ tịch UBND 4 quận nội thành gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình nghiên cứu, vận động những hộ có nhà mặt đường với diện tích phù hợp làm điểm trông giữ phương tiện.

Cần có cơ chế khuyến khích những hộ dân này. Người dân đến các tuyến phố đó mua sắm chỉ cần gửi xe vào nơi này, rồi đi bộ vài chục chục mét sẽ không là vấn đề gì lớn, đồng thời cũng giúp đảm bảo văn minh đô thị, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.