Ông Nguyễn Văn Tuấn Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch

Phải nhìn vấn đề trầm tĩnh, đừng cực đoan

ANTD.VN - UBND Thành phố Đà Nẵng vừa có Văn bản số 3917/UBND-SXD gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2015, định hướng 2030.

PV: Thưa ông, đối với quy hoạch Sơn Trà, hiện tại có 3 câu hỏi được đặt ra, một là buộc phá dỡ các công trình dang dở hay cho xây tiếp, hai là có hủy bỏ các dự án đã được cấp phép hay không và ba là việc này sẽ được thực hiện như thế nào. Quan điểm của Tổng cục Du lịch về những câu hỏi kể trên?

 Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tổng cục Du lịch không thể trả lời được 3 câu hỏi kể trên. Ba câu hỏi đó phải do Đà Nẵng trả lời. Đây chính là những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tức là nếu thực hiện theo ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì sẽ dẫn đến hệ quả là chỉ giữ lại công trình đã hoàn thành, công trình dở dang phải dỡ bỏ. Đối với các công trình có dự án đầu tư mà chưa triển khai thì cũng phải hủy bỏ.

Điều này có thể dẫn đến những hệ quả pháp lý không thể giải quyết nổi giữa UBND TP Đà Nẵng với các chủ đầu tư. Về mặt pháp lý, Đà Nẵng không sai khi cấp phép các dự án đó. Và các chủ đầu tư cũng triển khai không sai. Vấn đề này tôi nghĩ phải xem xét thực tế một cách khách quan, khoa học và có tình có lý chứ không thể nói rằng phải làm như thế này, phải làm như thế kia… 

Hiện tại trong cả nước, có khu du lịch quốc gia nào đang phải đối mặt với những vấn đề như  Sơn Trà hay không?

Sơn Trà là trường hợp đầu tiên. Tôi nghĩ nó sẽ tạo ra một tiền lệ rất hay để chính quyền địa phương các cấp, các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách tư vấn nghiên cứu. Trở lại vấn đề này, chuyện ông Huỳnh Tấn Vinh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng-phóng viên) nêu ra, giả sử không có quy hoạch này thì Sơn Trà sẽ như thế nào? Các dự án vẫn lặng lẽ làm, không ai cản trở được vì đâu có sai về mặt pháp lý giữa người quyết định đầu tư và nhà đầu tư.

Thứ nữa, nó tạo thực trạng đầu tư ồ ạt, quy mô lớn và đương nhiên phương hại đến môi trường, mất cân đối giữa bảo tồn và phát triển. Cho nên, nếu không có quy hoạch Sơn Trà thì việc đầu tư vẫn tiếp tục, quy mô sẽ rất lớn. Nếu không có quy hoạch, mọi người hoàn toàn không thể tiếp cận được sự thật đang diễn ra. Vì thế, ý nghĩa của quy hoạch còn nằm ở chỗ, nó hoạch định để Đà nẵng có cơ sở pháp lý, sắp xếp lại việc đầu tư ngăn nắp, quy củ, cân bằng bảo tồn và phát triển.

Từ quy hoạch Sơn Trà, vấn đề ở đây đã được công khai, dư luận và nhân dân biết, từ đó chúng ta soi vào. Hiện tại, mọi việc có thể vất vả, áp lực, thách thức, nhưng tôi nghĩ khía cạnh tích cực thì rất hay. Góc độ quản lý, chúng tôi nhìn nhận vấn đề thấy rất thú vị. Và đương nhiên ở góc độ quản lý cũng phải nhìn vấn đề một cách trầm tĩnh chứ không cực đoan.

PV: Xin cảm ơn ông!