Phải huy động tổng lực

ANTĐ - Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 với tỷ lệ tán thành cao, dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về tình hình nợ công sắp tới ngưỡng an toàn. Trong khi đó, khả năng tích lũy, trả nợ còn thấp và nợ xấu gia tăng nhưng chưa có giải pháp căn cơ để xử lý. 

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, yếu kém đòi hỏi Quốc hội phải tập trung phân tích, làm rõ để đưa ra chính sách và cùng Chính phủ thực hiện. Bên cạnh một số chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội giao Chính phủ hoàn thành như tăng trưởng ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát ở mức 5%, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần quan tâm tới một loạt chữ “an” trong điều hành.

 Đó là mang đến cho người dân và doanh nghiệp tâm lý an toàn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự xã hội và an toàn môi trường... Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; rà soát để giảm mạnh chi thường xuyên như không mua sắm xe công, chi khởi công, khánh thành công trình, đi công tác nước ngoài... Chính phủ cần bảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu từ 1-1-2015, thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp. Quốc hội còn yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. 

Tính đúng, tỉnh đủ nợ công, không để vượt trần theo Nghị quyết của Quốc hội ở ngưỡng 65% GDP. Một “vùng lõm” trong phát triển kinh tế cần được khắc phục là tình trạng lãng phí nguồn nhân lực hoặc chính sách của địa phương này triệt tiêu chính sách của địa phương kia. Đặc biệt, nguồn lực hợp tác hạn chế, tính cục bộ địa phương vẫn là rào cản lớn. Một số ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ “lung lay” trụ đỡ của nền kinh tế - lĩnh vực nông nghiệp, khi thu nhập của nông dân chưa được nâng lên, còn nhiều rủi ro, tổn thất...

Hơn lúc nào hết, phải huy động tổng lực để vượt qua tình thế hiện nay, nếu không, năm 2015 và giai đoạn tới sẽ còn khó khăn hơn. Đó là tâm tư của nhiều đại biểu Quốc hội sau khi thông qua 2 Nghị quyết quan trọng nói trên. Giải pháp sẽ được đề ra, nhưng nếu thiếu quyết tâm, thiếu đồng bộ hoặc cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, sẽ khó tạo ra được chuyển biến tích cực.