Phải giảm gánh nặng chi phí do thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp

ANTD.VN - Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực để cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý, song đây vẫn là một gánh nặng đối với hàng nghìn doanh nghiệp. Điều kiện kinh doanh kéo theo chi phí kinh doanh. Để tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần có đơn vị độc lập để rà soát điều kiện kinh doanh hiện tại.

Nhiều điều kiện, tốn chi phí

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều chi phí chính thức và không chính thức. “Theo số liệu tin cậy từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết có phải trả chi phí này. Chi phí chính thức được nhìn từ thuế và phí, lệ phí. Nhưng ngoài ra, chi phí về thời gian, cơ hội của doanh nghiệp còn lớn hơn rất nhiều chi phí chính thức”. 

Ví dụ, với một thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải làm trong 10 ngày, cử riêng 1 người để thực hiện cho thủ tục này. Lương nhân viên này là 5,7 triệu đồng/tháng, trung bình 200.000 đồng/ngày nhân với 10 ngày thực hiện thủ tục là gần 2 triệu đồng. Với khoảng 500.000 doanh nghiệp thì chi phí cho riêng thủ tục này là 2 tỷ đồng. “Đó mới là 1 thủ tục hành chính, còn nhiều thủ tục khác nữa. Một ngày tăng thêm là 1 ngày gia tăng chi phí. Có thủ tục thuế doanh nghiệp vẫn phải thực hiện 540 ngày. Hoàn thiện được số thủ tục này thì doanh nghiệp đã mất đi cơ hội kinh doanh. Do đó, phải rà soát, cắt bỏ những thủ tục không còn phù hợp” - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh. 

Theo ông Ngô Văn Điểm - Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế tư nhân Việt Nam, chi phí cao thì lợi nhuận giảm, doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Doanh nghiệp đang chịu gánh nặng chi phí do thủ tục phiền hà, phức tạp” - ông Ngô Văn Điểm nói.

Cần có tổ công tác độc lập

Cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà được xem là một trong những giải pháp căn cơ để giảm chi phí, tạo điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, những năm gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã bắt tay vào việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục này. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiệu quả công tác này chưa như mong muốn, bởi lẽ một phần không nhỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh cho chính các bộ, ngành, địa phương ban hành, nếu cắt bỏ khác gì tự “đập vỡ niêu cơm” của mình. Vì vậy, theo ông Phan Đức Hiếu, cần thành lập một tổ công tác rà soát thủ tục hành chính, có nhiệm vụ như trọng tài để thúc đẩy cải cách và khi đó cải cách mới có tác động đến thực hiện. Ông Phan Đức Hiếu kiến nghị: “Hiện nay, không có chỉ tiêu, không có cơ quan có thẩm quyền nào quyết định việc rà soát thủ tục. Cần cơ quan thực hiện công việc này, có đối chiếu, trình Chính phủ và Quốc hội”.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, cần có sự phản biện với chính sách quản lý của bộ, ngành. “Các quốc gia đều lập ra điều kiện kinh doanh, quy định pháp luật rất chặt chẽ mà doanh nghiệp, người dân phải tuân thủ. Thủ tục của họ rất đầy đủ nhưng đơn giản” - ông Đặng Huy Đông nói. 

Từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhiều quy định của Việt Nam chưa lượng hóa được, chỉ định tính nên khó tuân thủ. Hướng cải cách sắp tới không phải là bỏ quản lý mà cần đặt ra các nguyên tắc cụ thể cho việc quản lý, với việc trả lời lần lượt 3 câu hỏi: Bỏ quy định quản lý đó thì thiệt hại cho nền kinh tế và xã hội như thế nào? Vậy có giải pháp nào cho việc này? Ban hành cách quản lý rồi thì chi phí quản lý có xứng đáng với hiệu quả mang lại hay không để chính sách được tường minh hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Văn Điểm tán thành cần có cơ quan độc lập rà soát thủ tục, điều kiện kinh doanh. “Nếu tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có thể xem xét văn bản lần cuối trước khi ban hành thì càng tốt, vì các bộ vẫn ban hành văn bản theo kiểu dễ cho quản lý, khó để thực hiện” - ông Ngô Văn Điểm nêu ý kiến.