Phải có người chịu trách nhiệm trước dân

ANTĐ - Trả lời phỏng vấn riêng Báo ANTĐ bên hành lang Quốc hội chiều 25-3, xung quanh vụ việc nhiều tấn hoạt chất salbutamol nhập khẩu đã tuồn ra thị trường, sử dụng trái phép trong chăn nuôi (chất tạo nạc), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh, để chất độc đầu độc dân như vậy, phải có người chịu trách nhiệm trước dân. 

Phải có người chịu trách nhiệm trước dân ảnh 1

Không thể đùn đẩy trách nhiệm

- PV: Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho rằng trong năm 2015 nước ta đã nhập khẩu 9.140kg salbutamol, trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định, trong khi Bộ Y tế lại khẳng định năm 2015 các doanh nghiệp dược chỉ nhập về Việt Nam 5.215kg salbutamol và số liệu “chỉ 10kg được sử dụng đúng quy định” là không có cơ sở. Ý kiến của ông quanh vụ việc này?

- Ông Nguyễn Văn Tiên: Trước hết tôi có thể chỉ ra ngay rằng, đã có một lỗ hổng, một kẻ hở của pháp luật trong vụ việc này. Khó thể đổ lỗi hoàn toàn cho ngành y tế trong việc cho nhập khẩu hàng chục tấn chất độc hại gây ung thư nói trên, bởi trong lĩnh vực y tế hiện nay thì salbutamol chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt, tức chưa bị cấm nên họ có quyền nhập. Còn với Bộ NN&PTNT, đến cuối năm 2014, Bộ này mới có quy định cấm salbutamol trong chăn nuôi. Cần nói rõ là chất salbutamol chỉ cấm dùng trong chăn nuôi chứ không cấm dùng trong y tế. Chính kẽ hở đó khiến trong thời gian này, salbutamol vẫn được nhập khẩu, đưa ra thị trường. 

 Tôi cho rằng, trong kẽ hở này, Chính phủ phải chịu trách nhiệm chính bởi muốn bịt kẽ hở thì khi phát hiện ra nó, Chính phủ phải có vai trò điều tiết, chỉ đạo sự phối hợp giữa các bộ, ngành, không thể để các ngành đùn đẩy cho nhau. Ngay từ khâu tổ chức xây dựng, đưa ra danh mục các chất cấm thì phải có sự tham gia đầy đủ của các bộ, ngành liên quan. Đó là vấn đề chúng ta phải rút kinh nghiệm. 

- Theo giải trình của Bộ Y tế thì tháng 9-2014, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng salbutamol và Bộ Y tế không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được từ Bộ NN&PTNT khi ban hành thông tư này để phối hợp quản lý. Vậy phải chăng lỗi trong vụ việc này còn do tư tưởng mạnh Bộ nào Bộ ấy làm?

- Đúng là như thế. Cho nên vấn đề đặt ra vẫn là phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trong công tác quản lý, với những sản phẩm liên đới tới nhiều bộ, ngành thì muốn quản lý phải có thông tư liên bộ. 

Bổ sung quy định để quản lý chặt chất cấm

- Khi mà các bộ, ngành còn đang “nói qua, nói lại” thì rõ ràng người dân, những người đang hàng ngày sử dụng thực phẩm có chứa chất tạo nạc độc hại nói trên đã phải chịu đủ hậu quả. Phải chăng cần có một cơ quan lên tiếng chịu trách nhiệm trước dân?

- Đương nhiên người dân là người chịu hậu quả, người chịu thiệt thòi nhất và một lẽ đương nhiên nữa là phải có người chịu trách nhiệm trước dân. Về trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, trong vụ việc để hoạt chất độc hại salbutamol tuồn ra thị trường, sử dụng trái phép trong chăn nuôi, đầu độc người tiêu dùng, Bộ NN&PTNT, thanh tra nông nghiệp phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Trên thế giới chất tạo nạc này đã được cảnh báo có nguy cơ ung thư từ lâu nhưng mãi đến năm 2014 Bộ NN&PTNT mới đưa ra quy định cấm, như vậy là chậm quá. Rồi khi quyết định cấm, lẽ ra Bộ NN&PTNT phải chỉ đạo ráo riết kiểm tra ngay đồng thời phải thông báo, làm việc với Bộ Y tế để phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ. 

- Hiện tại, giải pháp nào để khắc phục được thực trạng này, thưa ông?

- Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này, phần quy định về danh mục các thuốc phải kiểm soát chặt chẽ, ngoài các chất phải kiểm soát đặc biệt (gồm các chất gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất và chất phóng xạ) như luật hiện hành có bổ sung thêm cụm từ “và những hóa chất cấm của ngành khác”. Việc bổ sung quy định như thế này sẽ đảm bảo các hoạt chất cấm được quản lý chặt chẽ, không tạo kẽ hở giữa quản lý chất cấm của các bộ ngành. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Đề nghị Bộ Y tế giám sát chặt nhập khẩu salbutamol

 “Đề nghị Bộ Y tế giám sát chặt việc nhập khẩu các chất cấm và tình hình sử dụng kháng sinh hiên nay. Tôi cũng đề nghị Bộ Công an cùng vào cuộc, tìm ra đầu nậu và đường dây buôn bán các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi để triệt tận gốc. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác, không khác gì buôn bán ma túy. Chúng ta phải cùng nhau làm quyết liệt, dứt khoát phải chặn đứng tình trạng này, còn vào cuộc đều đều như thời gian vừa qua thì cứ chìm xuống rồi lại bùng lên. Không thể chấp nhận tình trạng vì lợi ích của một vài cá nhân mà gây ảnh hưởng tới sức khỏe hàng chục triệu người”.

TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội): Quản lý, phối hợp lỏng lẻo

Chất salbutamol hiện Bộ NN&PTNT thì cấm dùng trong chăn nuôi nhưng Bộ Y tế lại cho nhập về làm thuốc, song lại không quản lý theo dạng phải quản lý chặt chẽ, để cho doanh nghiệp bán ra ngoài, sử dụng sai mục đích. Rõ ràng có sự lỏng lẻo trong quản lý, lỏng lẻo trong phối hợp, mạnh bộ nào bộ ấy làm nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay. Dù Bộ Y tế vừa đưa salbutamol vào danh mục quản lý chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là “hòa cả làng”.

Đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, xem doanh nghiệp nào bán ra ngoài, sử dụng sai mục đích để xử lý thích đáng theo quy định của luật pháp, chứ không phải chỉ xử lý theo quy định riêng của mỗi bộ là không sòng phẳng với người tiêu dùng. Giờ Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT có cãi nhau thì cũng không thay đổi được thực tế hàng triệu con lợn đã bị dùng chất cấm, người tiêu dùng đã ăn thịt lợn nhiễm chất cấm độc hại. Cứ đổ qua đổ lại trách nhiệm cho nhau thì người dân lãnh đủ.   

Về lâu dài, phải có quy định của Chính phủ, những hoạt chất nhập khẩu mang tính chất độc hại phải được thông báo một cách rộng rãi. Không chỉ mỗi lĩnh vực dược mà các lĩnh vực khác như thuốc bảo vệ thực vật. Bộ NN&PTNT cho nhập thì cũng phải thông qua Bộ Y tế hay cơ quan chức năng khác để kiểm duyệt. Còn bộ nào cũng xuề xòa rồi nhận trách nhiệm thì không rõ ràng, không sòng phẳng, vấn đề cơ bản là sinh mệnh của người dân.

ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Quy trách nhiệm và xử lý không khó

Vì sao nhu cầu thực tế dùng hoạt chất salbutamol trong y tế cũng như chăn nuôi ở nước ta rất ít mà cơ quan chức năng lại cho nhập nhiều? Ai là người ký quyết định cho nhập tràn lan như vậy thì trước hết người đó phải chịu trách nhiệm.

Rồi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý số hoạt chất sabutamol mà để chất gây độc hại này tuồn ra ngoài thị trường, sử dụng vô tội vạ cũng phải bị xử lý trách nhiệm. Tôi cho rằng việc điều tra, quy trách nhiệm và xử lý những người có liên quan đến việc này không khó.
Qua theo dõi, tôi thấy dường như 2 bộ NN&PTNT cùng Y tế đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Tôi đề nghị Chính phủ phải vào cuộc và chỉ rõ ai phải chịu trách nhiệm về việc này, không thể để cho 2 bộ nói qua nói lại nữa. Tất nhiên người dân cố ý sử dụng trái phép chất này trong chăn nuôi nhằm mục đích trục lợi có lỗi rất lớn, song chỉ đổ lỗi cho dân là không nên bởi nếu quản lý chặt chẽ thì sẽ khắc phục được tình trạng này.