Phá vỡ quy hoạch ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, gây bức xúc trong xã hội

ANTD.VN -Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch đã xảy ra khá nhiều tại các Thành phố lớn, làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là dự án khó, được Chính phủ chuẩn bị khá công phu, phải rà soát, điều chỉnh nhiều luật khác nhau.  Về cơ bản Dự thảo luật đã đạt được mục tiêu này như loại bỏ quy hoạch sản phẩm không còn phù hợp với kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp dược.. Tuy vậy, việc sửa đổi các luật thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này chưa triệt để, còn có sự trùng lặp nội dung các quy hoạch có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

 Về quy hoạch xây dựng, có 16/32 điểm trong Dự thảo đề cập đến vấn đề này. Song theo Đại biểu Thành, việc lập thêm quy hoạch xây dựng vùng tỉnh với nội dung và phạm vi trùng hoàn toàn với quy hoạch tỉnh và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác là không cần thiết.

Một số nội dung liên quan đến quy hoạch tại Luật Xây dựng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp

Về điều chỉnh quy hoạch, một trong những nguyên tắc quan trọng của hoạt động quy hoạch là đảm bảo sự ổn định tránh gây xáo trộn cho doanh nghiệp và người dân. So với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Dự thảo Luật quy định thêm hình thức điều chỉnh cục bộ với thủ tục giản đơn hơn. Tuy nhiên trường hợp áp dụng phạm vi và mức độ điều chỉnh theo hình thức này lại không được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng hình thức này để điều chỉnh quy hoạch gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không đảm bảo tuân thủ nguyên tắc chung.

Đại biểu Thành nêu ví dụ, thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch đã xảy ra khá nhiều tại các Thành phố lớn, làm phá vỡ quy hoạch ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội. Điển hình như việc điều chỉnh xây dựng các chung cư cao tầng  ở nội đô, cho phép chuyển đổi chức năng công ích của nhiều diện tích đất vốn dành cho giáo dục, y tế…làm biến dạng quy hoạch, phá vỡ kết cấu hạ tầng như Khu đô thị Linh Đàm tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, quy định về giấy phép và chứng chỉ quy hoạch nêu trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch mâu thuẫn với Luật Xây dựng, và Luật Quy hoạch đô thị. Theo đó việc lập quy hoạch là trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước phải công khai quy hoạch. Đồng thời, quy định này không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch trong Luật Quy hoạch. “Tôi đề nghị Dự án luật cần được rà soát, bổ sung, sửa đổi để đảm bản đúng mục tiêu ban hành luật, đảm bảo tính thống nhất. Đây là vấn đề lớn nên cần đánh giá thận trọng, đồng bộ các luật liên quan, có thể thông qua vào kỳ họp sau” – Đại biểu Thành đề xuất.

Thống nhất với quan điểm này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhất trí sửa đổi các luật liên quan đến Luật Quy hoạch để bảm đảm sự vận hành không trùng lặp, mâu thuẫn, chồng chéo. Theo vị đại biểu này, nhiều năm qua ngành hàng không, công nghệ thông tin, điện lực... phát triển tốt do đi đúng hướng, được quy hoạch tốt. Song trong một số trường hợp,  quy hoạch đúng nhưng người thực thi lại làm cho nó méo mó đi. Do dự án Luật này liên quan đến nhiều luật quan trọng khác nên theo Đại biểu Nghĩa không nên vội vàng thông qua trong kỳ họp này.

Không đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định) lại cho rằng, nên sớm thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch càng sớm càng tốt vì “các cơ hội đầu tư muốn triển khai được thì quy hoạch phải thông thoáng, nếu quy hoạch bị chồng chéo thì việc đầu tư sẽ chậm trễ”.

 Phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu liên quan đến quy hoạch. Bộ trưởng cũng xác định,  dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là dự án luật khó, để sửa đổi cho đồng bộ phải tiến hành sửa 27 luật liên quan, trong kỳ họp lần này sửa đổi 13 luật, kỳ sau sửa 14 luật.

Phát biểu thảo luận về nội dung bỏ quy hoạch quốc gia về hành nghề công chứng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Đại biểu Quốc hội đoàn Kiên Giang) cho rằng, trước khi thực hiện xã hội hóa hành nghề công chứng thì các phòng công chứng do Nhà nước quản lý. Đồng tình với nhiều đại biểu khác, Đại biểu Lê Thành Long thống nhất bỏ quy hoạch quốc gia về hành nghề công chứng, song đề nghị cần đi đôi với tăng cường các điều kiện và tiêu chuẩn hành nghề để tránh rủi ro. “Cả nước có 970 tổ chức hành nghề công chứng, tăng 7 lần so với 2007. Qua rà soát các quy định về hành nghề công chứng cho thấy, hiện quy định về tiêu chuẩn nhân sự đối với công chứng viên, nghĩa vụ bồi thường, xử lý rủi ro phát sinh trong quá trình hành nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, bảo mật…chưa đầy đủ. Mặt khác, gần đây khiếu nại về VPCC ngày càng tăng nên cần có quy định về điều kiện hành nghề công chứng theo hướng chặt chẽ hơn.