Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội vào cuộc sống

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội: Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm trung tâm văn hóa lớn

ANTĐ - Những năm vừa qua, chương trình phát triển văn hóa và xây dựng con người của Đảng bộ thành phố đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được tăng cường, di sản văn hóa Hà Nội tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị. 

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội: Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm trung tâm văn hóa lớn ảnh 1Thủ đô Hà Nội trở thành điểm đến của các sự kiện, hoạt động văn hóa quốc tế lớn

Nhiều công trình văn hóa thể thao được xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Chất lượng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng được đổi mới. Nội dung xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch được quan tâm chỉ đạo. Nhiều phong trào thi đua được duy trì và đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, tác động sâu rộng đến từng con người, gia đình, cơ quan, đơn vị. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Thủ đô Hà Nội thực sự là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc.

Thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế trên cơ sở kế thừa truyền thống nghìn năm văn hiến. Với quan điểm: phát triển văn hóa Thủ đô được đặt lên hàng đầu, Đảng bộ Sở VH-TT xin đề xuất một số giải pháp về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực   hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ thành phố.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa trên cơ sở coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Thứ hai, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, thành phố về văn hóa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, Việt Nam và thực tiễn của Hà Nội. Xây dựng sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa đặc thù, đặc trưng của Thủ đô.

Thứ ba, tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho các hoạt động văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thứ tư, xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Nâng cao thể lực, trí lực, tầm vóc, bồi dưỡng tri thức cho con người Thủ đô, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ức yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuối cùng, là xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa có đầy đủ năng lực, trình độ, phẩm chất… Bên cạnh đó, phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trọng dụng người có tài có đức.