"Nóng" tranh luận có nên cho phép tố cáo qua điện thoại?

ANTD.VN -Thảo luận về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) đề nghị mở rộng hình thức tố cáo như trong Dự thảo, công nhận tố cáo qua điện thoại. 

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, cách đây 13 năm Luật Phòng chống tham nhũng 2005 quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi khi công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật.

Việc mở rộng hình thức tố cáo là nhằm điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Hiện công cuộc phòng chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, vậy tại sao lại bỏ hình thức tố cáo qua điện thoại?

Đại biểu Cầu lấy ví dụ, “tôi đang công tác ở TP Hồ Chí Minh, người thân của tôi ở nhà bị một người nào đó yêu cầu phải đưa một khoản tiền đến, họ không biết làm thế nào nên nhờ tôi. Tôi chỉ biết điện thoại đến cơ quan công an nhờ giúp đỡ, vậy tại sao không coi coi đó là hình thức tố cáo?”. Trong trường hợp này, nếu không coi gọi điện là hình thức tố cáo thì sẽ mất một kênh thông tin quan trọng. Để kiểm soát được quyền lực của quan chức, nhân dân, báo chí có thể giám sát từ bên ngoài. Do đó, Đại biểu Cầu đề nghị mở rộng hình thức tố cáo như trong Dự thảo.

Đại biểu Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) phát biểu tranh luận

Phản bác lại ý kiến trên, Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) phát biểu, qua 2 hình thức tố cáo qua đơn thư và trực tiếp chỉ có 18% số vụ tố cáo được thụ lý là tố cáo đúng. Như vậy. nếu mở rộng hình thức tố cáo như trong Dự thảo có thể dấn đến tình trạng tố cáo tràn lan. Theo đó, Nhà nước phải đầu tư  nhân lực, kinh phí để xác minh, gây áp lực lớn làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bộ máy Nhà nước, uy tín của cán bộ công chức.

“Cần quy định theo hướng bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo nhưng cũng không nên gây khó khăn cho các cơ quan trong bộ máy Nhà nước trong việc xử lý đơn thư. Tôi đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo nhằm đảm bảo tính khả thi của luật, sự kiểm soát và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan” – Đại biểu Mão kiến nghị.

Tranh luận lại ý kiến của Đại biểu Mão, Đại biểu Cầu phân tích, chúng ta là công chức Nhà nước, được trả lương thì phải phục vụ các yêu cầu của nhân dân. Khi nhận được tố cáo qua điện thoại, người tiếp nhận có thể ghi lại tên tuổi người tố cáo, số điện thoại của họ, sau đó hẹn họ đến cung cấp thông tin trực tiếp.

“Chúng ta có công nghệ để lọc thông tin. Luật Phòng chống tham nhũng 2005 cần được kế thừa để người dân thực hiện quyền hiến định thực sự, đừng vì khó khăn của cơ quan Nhà nước mà hạn chế hình thức tố cáo, không nên việc dễ thì làm, việc khó bỏ” – Đại biểu Cầu nói.

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) phát biểu, chúng ta đang trong thời đại 4.0, việc dùng điện thoại để tố cáo có thể được xem là hình thức tố cáo trực tiếp. Hiện cơ quan chức năng đang triển khai các biện pháp xóa bỏ tin nhắn rác, yêu cầu chủ thuê bao đăng ký thông tin cá nhân nên hoàn toàn có thể xác minh được người tố cáo qua điện thoại. Do vậy, không nên hạn chế hình thức tố cáo này để thoái thác trách nhiệm.